Hội thảo “Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở Việt Nam” vừa diễn ra tại TP. Nha Trang. Các chuyên gia đều cho rằng, kinh tế biển xanh là nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 đã được định hướng trong Nghị quyết số 36 ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
|
Hướng tới sử dụng bền vững tài nguyên biển
Tại hội thảo, ông Trần Lê Nguyên Hùng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã xác định kinh tế biển xanh là nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Kinh tế biển xanh đã được hầu hết các quốc gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển và dần trở thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, chính sách phát triển của nhiều quốc gia. Kinh tế biển xanh được hiểu là sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển, đại dương. Các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết, khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững, như: nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển…
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, hệ thống các khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hòa môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế ở địa phương. Việc mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh, được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân. Công tác quản lý hiệu quả mạng lưới các khu bảo tồn biển là một phần không thể tách rời khi đầu tư vào kinh tế biển xanh. Thời gian tới, Việt Nam cần tiến hành các hoạt động kiểm kê, đánh giá các “nguồn vốn tự nhiên biển, đảo” và các hoạt động quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái để tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu xung đột trong khai thác, sử dụng biển.
Sớm phục hồi hệ sinh thái ở Hòn Mun
Tại hội thảo, vấn đề bảo tồn vịnh Nha Trang cũng được các đại biểu quan tâm. Theo báo cáo của Ban quản lý Vịnh Nha Trang, từ cuối năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Kế hoạch đã đưa ra những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài để phục hồi hệ sinh thái trong vịnh Nha Trang. Kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “xây dựng và phát triển Khánh Hòa dựa trên cơ sở khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển đảo, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
|
Để thực hiện kế hoạch, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã cho tạm dừng các hoạt động bơi, lặn biển và tàu đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun kể từ tháng 6-2022; đồng thời di dời lưới đăng ra khỏi Hòn Mun, cử đoàn công tác thường xuyên tuần tra trong khu vực biển Hòn Mun. Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đang khảo sát đánh giá hiện trạng rạn san hô tại khu vực này. Từ khi kế hoạch được ban hành đến nay, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã thả 24.000 con giống các loại ra biển Hòn Mun; phối hợp với doanh nghiệp lắp đặt khối rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên; xây dựng kế hoạch lắp đặt giàn phao phân vùng, bảng hiệu và camera giám sát để khoanh vùng bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô; lặn giám sát, vớt rác, bắt sao biển gai ở Hòn Mun. Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước đối với vịnh Nha Trang; sớm phục hồi được các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong vịnh Nha Trang, trong đó cần huy động được các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư sống trong khu vực và lân cận tham gia giám sát, bảo vệ và bảo tồn rạn san hô trong vịnh gắn với phát triển sinh kế bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã góp ý cho dự thảo Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển nhằm đạt mục tiêu 3% diện tích vùng biển Việt Nam đến năm 2025 và 6% đến năm 2030. Theo đề án, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 442.235ha. Trong đó, có 11 khu bảo tồn biển cấp quốc gia, gồm: 5 khu bảo tồn biển đã thành lập là Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng), Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Nam Yết, vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa); thành lập mới 6 khu bảo tồn biển là vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), Cát Bà – Long Châu (TP. Hải Phòng), Gò Đồi Ngầm (tỉnh Quảng Bình), Thuyền Chài, Song Tử (tỉnh Khánh Hòa).
|
VĂN KỲ