Hợp tác văn hoá xã hội vẫn luôn đóng vai trò quan trọng để ASEAN thúc đẩy phát triển toàn diện, đồng đều, bao trùm, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN hướng tới cải thiện và nâng cao đời sống và tinh thần của người dân Cộng đồng. (Nguồn: asean.org) |
Nỗ lực xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) góp phần cải thiện đời sống và nâng cao tinh thần của người dân, qua đó đóng góp vào phục hồi kinh tế – ổn định xã hội, tăng cường đoàn kết và bản sắc ASEAN.
Hoàn thiện gần 70% dòng hành động
ASCC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN với 15 cơ quan chuyên ngành, phụ trách nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân như: phúc lợi xã hội và phát triển, lao động – việc làm, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu…
Thời gian qua, với nguyên tắc đặt người dân là trung tâm, phục vụ cho người dân, khẳng định vị trí quan trọng của mình trong tiến trình phát triển của từng quốc gia cũng như khu vực, ASCC đã chủ động và tích cực hợp tác với hai trụ cột chính trị – an ninh và kinh tế để giải quyết những thách thức đối với phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực ASEAN.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm nay, ASEAN đã thực hiện 66% các dòng hành động thuộc Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN (ASCC) 2025; tăng cường triển khai các văn kiện ASEAN ở cấp quốc gia (số lượng văn kiện ASEAN đi kèm luật, chính sách, chương trình quốc gia tăng 23% so với năm trước); hoàn thành 36 sáng kiến về văn hoá – xã hội trên tổng số 72 sáng kiến chung thuộc Kế hoạch Phục hồi Tổng thể ASEAN và đẩy nhanh triển khai các chương trình công tác của các kênh chuyên ngành.
Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Indonesia với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tầm điểm tăng trưởng”, ASEAN nhất trí tập trung hợp tác văn hoá – xã hội 2023 vào 05 ưu tiên: củng cố kiến trúc y tế khu vực, phát triển nông thôn, bảo vệ đa dạng sinh học để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực lao động và bảo vệ lao động di cư, và thúc đẩy phát triển hoà nhập cho người khuyết tật.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 (Indonesia, tháng 5/2023), các Nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về sáng kiến Một Sức khoẻ; Tuyên bố ASEAN về bảo vệ lao động di cư và thành viên gia đình trong tình huống khủng hoảng; Tuyên bố ASEAN về bố trí việc làm và bảo vệ lao động di cư làm việc trên tàu cá; Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về thành lập Mạng lưới Làng xã ASEAN.
Hiện nay, ASEAN cũng đang thảo luận về chủ đề ASCC sau năm 2025 nhằm đảm bảo sự gắn kết và phù hợp giữa 3 trụ cột (Chính trị-an ninh, kinh tế và Văn hóa-xã hội) và đảm bảo tương lai của ASEAN phù hợp với nhu cầu của người dân khu vực.
Triển lãm ảnh về Cộng đồng ASEAN tại Lâm Đồng. (Ảnh: QT) |
Cam kết, nỗ lực của Việt Nam
Trong những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 phê duyệt “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của ASCC đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 161), trong đó chỉ đạo việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của ASCC vào các chương trình, dự án quốc gia.
Năm 2020 là năm bản lề, ghi dấu mốc 5 năm Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập và cũng là năm giữa kỳ đánh giá việc thực hiện các Kế hoạch Tổng thể của cả 3 trụ cột trong Tầm nhìn ASEAN. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với vai trò Chủ tịch ASCC 2020, đã chủ trì, dẫn dắt hoàn thành tất cả văn kiện, Tuyên bố để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 thông qua, ghi nhận, trong đó có 2 Tuyên bố quan trọng là Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy công tác xã hội hướng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Trong các năm qua, bên cạnh việc ủng hộ và triển khai các ưu tiên của Cộng đồng do nước Chủ tịch ASEAN đề ra, các nội dung của ASCC 2025 đã được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch và được triển khai sâu rộng từ trung ương đến địa phương ở tất cả các lĩnh vực văn hóa – xã hội. Điều đó cho thấy việc kết nối các ưu tiên khu vực và quốc gia trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện sẽ đảm bảo tính khả thi, tính bền vững.
Kết quả thực hiện Đề án 161 nói riêng và Kế hoạch tổng thể ASCC 2025 ở Việt Nam đến nay đã đạt được nhiều thành tựu, thể hiện ở nhiều lĩnh vực như thoát nghèo; đảm bảo khả năng tiếp cận nước và vệ sinh an toàn cho mọi gia đình; tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh và đảm bảo trẻ em trong độ tuổi đi học; thúc đẩy việc làm bền vững; tăng cường bảo vệ môi trường… Những kết quả đó đã đóng góp rất lớn vào kết quả chung của khu vực Đông Nam Á và nâng cao hình ảnh của ASEAN tại Việt Nam.
Những nỗ lực đó thể hiện rõ ràng cam kết của Việt Nam đối với Cộng đồng ASEAN, đặc biệt với ASCC, không chỉ về chủ trương, định hướng, chính sách mà còn hướng tới các hành động cụ thể được triển khai ở cấp quốc gia và khu vực.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 (HNCC ASEAN 43) và hoạt động liên quan tại thủ đô Jakarta của Indonesia hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định là một đối tác tin cậy, thành viên tích cực có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Indonesia và các nước khác trong ASEAN để nỗ lực xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung ở khu vực và trên thế giới.