Đoàn đã thăm, tặng quà ông Võ Như Dân (81 tuổi, ngụ K338/60B Hoàng Diệu, tổ 5, P.Bình Hiên, Q.Hải Châu), cựu nhân viên Trạm quan trắc Hoàng Sa. Đây là trạm thuộc Đài khí tượng Sài Gòn, được người Pháp xây dựng năm 1932, chính thức hoạt động từ năm 1938 và chấm dứt hoạt động năm 1974 sau sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN. Từ năm 1956, ông Dân nhận lệnh của Ty khí tượng Đà Nẵng, bắt đầu quá trình hơn 10 năm gắn bó với quần đảo thiêng liêng của VN. Dù sức khỏe suy giảm sau phẫu thuật nhưng ông vẫn còn minh mẫn, vừa thấy ông Võ Ngọc Đồng (Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa kiêm Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng) và ông Lê Phú Nguyện (Chánh văn phòng UBND H.Hoàng Sa) đến ngõ đã đứng dậy ra sân đón khách. Ông Dân giới thiệu với đoàn quyển sổ ông ghi chép lại những ngày ở đảo. Suốt thời gian từ năm 1956 cho đến khi nghỉ vì bệnh (năm 1969), ông có cả chục lần ra đảo, mỗi lần 3 tháng. Nhưng trạm quan trắc chỉ có 3 quan trắc viên thay nhau đi Hoàng Sa nên nhiều năm ông ra đảo 2 lần.
UBND H.Hoàng Sa cũng đã đến nhà, thắp hương viếng 2 “nhân chứng” Hoàng Sa vừa mất ít năm trước, gồm ông Ngô Tấn Phát (1933 – 2015, ngụ 166/16 Hùng Vương) và ông Phạm Khôi (1942 – 2014, ngụ 128/8 Quang Trung, cùng Q.Hải Châu). Từng là nhân viên Trung tâm khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, từ năm 1959 ông Phát ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ nhiều lần, mỗi lần 6 tháng. Ở ngoài đó, cứ 8 lần mỗi ngày ông đo, đọc các yếu tố thời tiết và báo cáo về đất liền. Ông viết trong Kỷ yếu Hoàng Sa: “Phía bắc có ngọn hải đăng và trung đội bảo vệ đảo, tây nam có miếu bà và tượng cao 1,5 m, giữa đảo có tấm bia chủ quyền VN do nhà Nguyễn đặt năm 1816”.
Ông Võ Như Dân (giữa) chia sẻ những câu chuyện với UBND H.Hoàng Sa
|
Khao khát ra với đảo
Ông Phát là một trong số những “nhân chứng” đóng góp rất nhiều dữ liệu, hiện vật quý cho công tác nghiên cứu, sưu tầm các bằng chứng chủ quyền giai đoạn 2006 – 2007. Còn ông Khôi trước năm 1975 là lính địa phương quân Tiểu khu Quảng Nam, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa thuộc biên chế Trung đội Hoàng Sa từ 23.12.1969 đến tháng 4.1970. Hằng ngày, ông kiểm soát tàu cá ra vào đảo, dùng ca nô tuần tra đảo nổi, đảo chìm, báo cáo về bờ và hỗ trợ tàu thuyền khi thiên tai…
Dẫn đoàn lên gác dâng mâm trái cây và thắp hương cho bố, ông Phạm Ngọc Thức (48 tuổi, con trai cả ông Khôi) xúc động cảm ơn UBND H.Hoàng Sa năm nào cũng ghé thăm gia đình. Ông Thức còn nhớ như in chuyện tuổi thơ, khi hằng đêm bố ôm ông vào lòng và kể những ngày ở đảo, tham gia đẩy đuổi lực lượng thám thính và đắp công sự. Hai con ốc hoa ông Khôi tặng UBND H.Hoàng Sa trước khi mất (để triển lãm ở Nhà trưng bày Hoàng Sa) chính là món quà ông Khôi mang từ đảo về tặng con trai đầu lòng. “Năm 1970, bố mang cặp ốc đó về rồi mới sinh tôi, nên “tuổi” ốc lớn hơn tuổi tôi. Hồi đó, bố kể Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm rồi khóc”, ông Thức nhớ lại.
Giống bố, ông Thức cũng yêu biển, trong nhà treo nhiều ảnh biển cả. Ông bảo, mình đã đi khá nhiều các đảo ở VN và bày tỏ nguyện vọng được đi Trường Sa, đặc biệt là Hoàng Sa, đến nơi người bố đã từng cống hiến tuổi thanh xuân giữ đảo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thuc-day-nhieu-ky-uc-hoang-sa-185727293.htm