Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc thúc đẩy ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm để có nguồn lực mới phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề cao tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế. Ảnh: Hải Nguyễn
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay, điều quan trọng nhất trong công tác ngoại giao kinh tế là khai thác được những tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ, đồng thời tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Từ đầu năm đến nay, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế – xã hội. Điều này thể hiện trên 3 nội dung.
Một là đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng.
Hai là góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới.
Ba là tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong hàng chục hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.
Mới đây nhất, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 14 văn kiện hợp tác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước, ngày 19.8.2024. Ảnh: TTXVN
Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Việt Nam đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Việt Nam như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens…
Cùng với đó, tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 FTA đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới.
Ngay từ những tháng đầu năm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã định hướng cho Bộ Ngoại giao tập trung triển khai một số đầu việc để thúc đẩy ngoại giao kinh tế.
Thứ nhất là chỉ đạo các cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch, quảng bá các sản phẩm thế mạnh vào khu vực Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh.
Thứ hai là tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, nhất là các sản phẩm đồ gỗ sang các thị trường Trung Đông, châu Phi. Kêu gọi đầu tư của các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông vào các lĩnh vực mà họ rất quan tâm.
Những kết quả nói trên của Bộ Ngoại giao – dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn – đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, hoan nghênh trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, được tổ chức vào tháng 7 vừa qua.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/the-gioi/thuc-day-ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-phat-trien-dat-nuoc-1382787.ldo