Tham dự Hội thảo, phía Cục Biển và Hải đảo Việt Nam có Phó Cục trưởng Trương Đức Trí, chủ trì Hội thảo; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục. Hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Về phía các cơ quan Trung ương gồm có: Viện Cơ học; Viện Công nghệ Môi trường; Viện Hải dương học; Đại học Khoa học Tự nhiên; Đại học Thủy lợi; Học viện Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao và các đơn vị thuộc Bộ TN&MT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Trương Đức Trí cho biết, với tầm nhìn hướng ra biển, dựa vào biển, Nghị quyết số 36 của BCH TW Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn”; Lấy KHCN tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước; Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu KHCN tiên tiến để trở thành nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN”.
Trên bình diện quốc tế, giai đoạn 2021-2030 chính là thập kỷ về khoa học biển vì sự phát triển bền vững, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là: Cung cấp một khuôn khổ chung để đảm bảo rằng khoa học biển có thể hỗ trợ các quốc gia triển khai Chương trình nghị sự của LHQ vì sự phát triển bền vững; cung cấp cơ hội để tạo ra một nền tảng mới, trên giao diện chính sách khoa học, tăng cường quản lý biển vì lợi ích hài hòa giữa môi trường và con người; Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển nghiên cứu KHCN tiên tiến nhằm kết nối khoa học biển với nhu cầu phát triển của xã hội; bảo vệ đại dương và các nguồn tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện Công ước LHQ về luật biển và khung pháp lý về giảm thiểu rủi ro thiên tai trên biển.
Theo ông Trương Đức Trí, trong những năm qua, nhiều hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ biển đã được thực hiện thông qua các nhiệm vụ, đề tài, dự án cấp nhà nước trong khuôn khổ của các chương trình trọng điểm cấp nhà nước (tiêu biểu là KC.09 về biển giai đoạn 2006-2010 và 2011 – 2015) và Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Chúng ta đã phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển (hệ thống thông tin, số liệu phong phú về điều kiện tự nhiên; nghiên cứu làm sáng tỏ hình thái, cấu trúc địa chất bờ biển, đáy biển và các hải đảo; đánh giá tiềm năng, dự báo triển vọng và định hướng tìm kiếm khoáng sản biển…); triển khai, ứng dụng một số công nghệ biển ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển (dầu khí, hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy sản…)
Tuy nhiên, ông Trí cũng cho biết, KHCN biển ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều và hiệu quả ứng dụng chưa cao, phạm vi và chủ đề nghiên cứu chủ yếu là ở vùng ven bờ, ít có điều kiện nghiên cứu ở các vùng biển sâu, biển xa.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các ý kiến trao đổi, gợi mở đối với các nhóm vấn đề ưu tiên về KHCN biển cần triển khai từ nay đến 2030 như: giải quyết các vấn đề về suy thoái hệ sinh thái, nghiên cứu tiềm năng và khả năng phát triển điện gió, năng lượng tái tạo trên các vùng biển của Việt Nam; nghiên cứu đánh giá các nguồn lợi tự nhiên từ biển,…
Bế mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Trương Đức Trí trân trọng cảm ơn các đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức trong và ngoài Bộ TN&MT, các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là với sự hiện diện và chia sẻ tham luận của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV đã luôn đồng hành cùng với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Hội thảo với 10 bài trình bày tham luận, các đại biểu đã giới thiệu về một số kết quả nghiên cứu khoa học đạt được trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, kinh tế biển xanh cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực về biển như công ước Luật biển 1982, hợp tác khu vực ASEAN về bảo vệ môi trường biển,…đồng thời đã gợi mở nhiều nhóm vấn đề ưu tiên về phát triển KHCN biển trong thời gian tới.