Trong những năm qua, các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ đã thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp với nhiều phong trào, cuộc thi, hoạt động kết nối, tư vấn khởi nghiệp…
Các doanh nghiệp khởi nghiệp, start-up của Đồng Nai tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại hội chợ Xúc tiến thương mại, xuất khẩu ở TP.HCM năm 2023. Ảnh: Hải Hà |
Nhiều hoạt động kết nối cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa ở các địa phương thời gian qua được tăng cường với nhiều chương trình hội chợ, kết nối giao thương, phát triển thị trường, ngày hội về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST)…
* Nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối
Đông Nam bộ là nơi phát triển kinh tế sôi động nhất cả nước. Do đó, các phong trào, hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở các địa phương Đông Nam bộ diễn ra sôi nổi, năng động. Các địa phương trong khu vực đều triển khai nhiều chương trình hoạt động để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tại Đồng Nai, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chương trình phát triển cộng đồng khởi nghiệp. Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 được triển khai trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2020. Đặc biệt, trong năm nay, các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai (Techfest DongNai 2023) đã được phát động với chủ đề Đường băng sáng tạo – Nai vàng cất cánh.
Năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu khoảng 1 ngàn lượt cán bộ quản lý nhà nước, thương nhân, học sinh, sinh viên, cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp được tham dự các chương trình tuyên truyền, hội thảo, tập huấn ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, triển khai dịch vụ bán hàng trực tuyến.
|
Theo Sở KH-CN, Techfest DongNai 2023 xuyên suốt trong năm nay gồm chuỗi các sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, cuộc thi dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Cụ thể là hội thảo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu trong lĩnh vực hành chính công, Diễn đàn Megacity Connect vùng Đông Nam bộ, Tọa đàm Khởi nghiệp, ĐMST trong phát triển du lịch, hội thảo chuyên đề Hỗ trợ hội viên, nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST năm 2023…
Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, hoạt động phát triển hệ sinh thái ĐMST được Bình Dương đặc biệt quan tâm trong thời gian qua với mục tiêu hướng đến là phát triển thành phố thông minh Bình Dương trong tương lai. Hiện nay, tỉnh tập trung phát triển vùng sản xuất thông minh, vùng ĐMST. Đây được xem như là những bước đi cụ thể và đột phá trong việc xây dựng và phát triển hoạt động ĐMST, xây dựng thành phố thông minh…
Mới đây nhất, vào cuối tháng 6-2023 đã diễn ra diễn đàn ĐMST sản xuất Bình Dương năm 2023. Diễn đàn nhằm giới thiệu đến các DN đầu tư trong khu công nghiệp các chương trình, chính sách thúc đẩy ĐMST trong sản xuất, chuyển đổi số nhằm phát triển nhà máy thông minh. Diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia, diễn giả đã chia sẻ những chuyên đề về ĐMST trong sản xuất như: công nghiệp 4.0 Hàn Quốc và ứng dụng thực tiễn ở Việt Nam; công nghệ sản xuất; phát triển nhà máy thông minh…
Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, trong thời gian qua, các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái về ĐMST nói riêng. Trong đó có nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối thanh niên, sinh viên khởi nghiệp. Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia đã phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động liên kết, đào tạo, thực tập giữa DN với các trường đại học, cao đẳng về khởi nghiệp.
* Phát triển thị trường ngách cho DN
Song song với các chương trình kết nối khởi nghiệp, trong những năm qua, các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, triển lãm, hội thảo, hội chợ để giúp các DN khởi nghiệp, start-up, DN nhỏ và vừa trong khu vực tìm kiếm đối tác, khách hàng, phát triển thị trường, nhất là các thị trường ngách, có nhiều tiềm năng.
Giám đốc Công ty TNHH Laven Group (TP.Biên Hòa) Đinh Thành Thiện cho hay, công ty được thành lập và khởi nghiệp được khoảng 5 năm nay với các dòng sản phẩm từ các máy pha cà phê đến các loại cà phê rang xay. Hiện tại, thị trường chính của công ty là khu vực Đồng Nai, trong đó tập trung nhiều ở các đô thị như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh… Thông qua các chương trình kết nối, công ty luôn cố gắng xây dựng thương hiệu từng bước phủ sóng tên tuổi, phát triển các kênh bán hàng tiềm năng, thị trường phù hợp…
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Trần Lâm (tỉnh Tây Ninh) Trần Văn Lâm chia sẻ, với các sản phẩm muối tôm, đặc sản địa phương, công ty chủ động tham gia các chương trình về xúc tiến thương mại, kết nối cộng đồng start-up, các hội chợ kết nối trong khu vực và trên cả nước. Công ty hướng tới phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường ngách, trong đó có thị trường Đồng Nai.
Ông Huỳnh Thanh Vạn cho biết thêm, các thị trường ngách được nhiều start-up, DN khởi nghiệp lựa chọn để phát triển với nhiều tiềm năng, cơ hội hơn, ít phải cạnh tranh trực tiếp với các DN lớn, thương hiệu có tên tuổi. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận hiệu quả các thị trường ngách, vẫn đòi hỏi các DN khởi nghiệp cần tạo được điểm nhấn, sự khác biệt, hướng tới các sản phẩm xanh… Các start-up cần chú trọng tích lũy được kinh nghiệm về tiếp thị, marketing, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, quảng bá sản phẩm để tiết kiệm chi phí vận hành, nâng tầm giá trị sản phẩm…
Hải Quân
.