Sự kiện được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Ngân hàng Châu Á (ADB), Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên Hiệp Quốc(UNOPS) và tổ chức của Sunlife của Ca-na-đa phối hợp tổ chức.
Tham dự sự kiện có PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN), TS. Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (IMHEN), PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE); bà Suzanne Gaboury, Tổng Giám đốc Khu vực Tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); bà Michelle Diab, Trợ lý Phó Chủ tịch, tổ chức Sun life; ông John Robert Cotton, Quản lý chương trình cấp cao, Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á(ETP).
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN) cho biết, trong thời đại tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng, tầm quan trọng của những nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu là không thể phủ nhận.
Việt Nam hiện đang phải đối mặt với thách thức cấp bách là những tác động phức tạp và sâu rộng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc về những mối đe dọa này và đã ban hành các chính sách, văn bản hướng dẫn tiến bộ để giải quyết vấn đề, bao gồm việc ban hành các Kịch bản BĐKH quốc gia, Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (NSCC), Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và các chương trình BĐKH khác nhau.
Đại diện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng cho rằng, Hội nghị COP28 lần này phải nâng cao thích ứng đối với kiểm kê toàn cầu và đặt ra lộ trình lấp đầy những thiếu hụt tài chính và giải quyết những thiếu sót trong cấu trúc tài chính toàn cầu.
Đồng thời, để tăng cường khả năng chống chịu một cách hiệu quả trong bối cảnh mang tính đặc thù, Việt Nam cần phải thúc đẩy tài chính khí hậu, xây dựng năng lực và chuyển giao đổi mới công nghệ.
Theo TS. Trần Thanh Thủy, Theo Luật Khí tượng thủy văn (2015), Kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia cần được cập nhật 5 năm một lần. Viện Khoa học KTTV&BĐKH là đơn vị được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH cho Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Bộ TN&MT cùng với hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác quốc tế như UK Met Office, JMA, AFD, CSIRO, … kịch bản BĐKH cho Việt Nam sẽ được cập nhật vào 2025. Bà Thủy cùng đề cập đến các nội dung cần được chuyển giao công nghệ để Kịch bản BĐKH cho Việt Nam có thể phản ánh được tác động đến các ngành/lĩnh vực/khu vực dễ bị tổn thương trước BĐKH và vận động sự chung sức nhiều hơn nữa từ các đối tác quốc tế.
Về phía tổ chức Sun Life Asia, bà Michelle Diab đã chia sẻ các dịch vụ được cung cấp tại Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Tại Việt Nam, Sun Life Asia đã triển khai hướng dẫn trợ giúp dành cho khách hàng để cải thiện quá trình tham gia và yêu cầu bồi thường. Bên cạnh đó, Sun Life Asia còn nâng cao trải nghiệm của khách hàng và củng cố mô hình làm việc kết hợp cho nhân viên với việc khai trương S.PACE, mô hình văn phòng mới dành cho phân phối đa kênh tại Việt Nam.
Đề cập về vấn đề hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực BĐKH, bà Suzanne Gaboury, Tổng Giám đốc Khu vực Tư nhân của ADB cho biết, ADB sẽ mở rộng hoạt động trong khu vực tư nhân lên 1/3 tổng số hoạt động của mình vào năm 2024. ADB sẽ đạt được mục tiêu đồng tài trợ dài hạn cho các hoạt động của khu vực tư nhân với mỗi 1 USD tài trợ tương ứng với 2,50 USD đồng tài trợ dài hạn vào năm 2030.
Và để khai thác nguồn tài chính của các nhà tài trợ quốc tế thông qua các phương thức hợp tác, ông John Robert Cotton Quản lý chương trình cấp cao, Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á cho biết, tổ chức ETP đưa ra các chiến lược cụ thể như liên kết chính sách với các cam kết về khí hậu để đạt được lượng phát thải ròng bằng không, giảm thiểu rủi ro cho năng lượng tái tạo và đầu tư hiệu quả năng lượng, mở rộng cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi bền vững – lưới điện thông minh, phát triển kiến thức, kỹ năng, nhận thức và năng lực.
Sự kiện bên lề đã thu hút được nhiều ý kiến trao đổi và sự tham gia tích cực của các đại biểu đến từ các tổ chức trong nước và quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác và kêu gọi tài trợ cho các bên.