Ngày 12/4/2024, Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN phối hợp với Viện Kinh tế – Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng”.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng”.
“Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng” là cơ hội để các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, đóng góp ý kiến về cách thức khai thông các điểm nghẽn, thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN, các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Liên bang Nga trong bối cảnh mới.
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm Ngày ký kết hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga, kỷ niệm 300 năm thành lập Viện Hàn lâm khoa học Nga, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN (1974-2024). Diễn đàn có sự tham gia bảo trợ truyền thông bởi Tạp chí kinh tế Việt Nam – VnEconomy.
Tham dự Diễn đàn trực tiếp và trực tuyến có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành, các tổ chức phát triển, viện nghiên cứu, hiệp hội, các nhà khoa học trong và ngoài nước…
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế cho biết, chủ đề của Diễn đàn hướng sự tập trung vào các vấn đề tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong khu vực ASEAN, các nền kinh tế mới nổi nói chung và Việt Nam trong quan hệ kinh tế thương mại với Liên bang Nga, đặc biệt tập trung vào các chủ đề hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, du lịch, thương mại hàng hóa và dịch vụ, hợp tác năng lượng, tài chính, phát triển thành phố thông minh, bền vững.
Năm 2021, thương mại giữa ASEAN và Nga đạt khoảng 20 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu của ASEAN sang Nga là 12,6 tỉ USD với lĩnh vực dẫn đầu là máy móc và thiết bị điện tử. Trước đó, chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 2016-2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Liên bang Nga đã tăng gấp đôi về trị giá, đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tương ứng tăng trưởng bình quân 15%/năm.
“Sự kiện Diễn đàn ngày hôm nay một lần nữa thể hiện dòng chảy kết nối giữa phương Đông và Liên bang Nga, đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc củng cố mối quan hệ bền chặt, thân tình giữa hai quốc gia, dân tộc Việt Nam – Liên bang Nga”, ông Trúc Lê nhấn mạnh.
Bà Bakeeva Ekaterina, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam.
Cũng tại Diễn đàn, bà Bakeeva Ekaterina, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, chia sẻ rằng một trong những đặc điểm của sự tiến hóa hiện nay là sự chuyển dịch trọng tâm chính trị thế giới và quan trọng là nền kinh tế sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tất cả các bên đang nỗ lực mở rộng sự tương tác của họ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cốt lõi của nó là ASEAN.
“Ngoài ra, Liên bang Nga mong muốn nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ phía các Hiệp hội trên các nền tảng quốc tế, giải quyết kịp thời các vấn đề có khúc mắc trong chương trình nghị sự song phương và sự tham gia nhiều hơn của ASEAN vào việc thực hiện các dự án của Nga trong khu vực và trên thế giới nói chung”, bà Ekaterina cho hay.
“Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga đang ngày càng phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn về các khả năng thanh toán, logistics nhưng tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong tương lai là rất lớn”, ông Vyacheslav Gennadievic Kalganov, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại St. Petersburg bổ sung thêm.
Quang cảnh Diễn đàn.
Các diễn giả từ phía Việt Nam và Liên bang Nga đã mang đến Diễn đàn những tham luận chính đề cập đến các khía cạnh khác nhau xoay quanh các lĩnh vực khác nhau, đề cập đến mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN, các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới, trong đó tập trung phân tích hợp tác đầu tư Nga – Việt qua các dữ liệu về kinh tế, thương mại, đầu tư, việc điều chỉnh chính sách của Nga trong bối cảnh mới, các vấn đề và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực tài chính giữa Liên bang Nga và các nước ASEAN.
Nhiều bài tham luận đã đi sâu vào việc khám phá những thành tựu và tiềm năng hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, sự phát triển của quan hệ Nga và ASEAN trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, cũng như triển vọng của nhóm các nền kinh tế mới nổi là một tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên như: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (BRICS).
Bên cạnh đó, một số tham luận chia sẻ những kinh nghiệm quý báu với Chính phủ Việt Nam trong việc hoạch định chính sách kinh tế, hợp tác năng lượng, giao thông, nông nghiệp giữa ASEAN, các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới, nhằm đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực của các nước ASEAN trong bối cảnh các hành lang giao thông mới và các sáng kiến về kinh tế – xã hội trong nhóm nền kinh tế BRICS…
UEB