Xác định thương mại, dịch vụ là một trong những ngành kinh tế cốt yếu của địa phương, không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân mà còn phản ánh diện mạo, sự đổi mới của huyện; vì vậy, huyện Nậm Nhùn luôn quan tâm, triển khai những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển.
Anh Ngô Hồng Kiên – Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nậm Nhùn cho biết: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện, tỉnh đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên địa bàn. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể về thuế, tín dụng, đất đai. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa tại các điểm buôn bán lớn trên địa bàn, đảm bảo mặt hàng đủ trọng lượng và chất lượng. Cùng với đó, khuyến khích Nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng ngành nghề, kinh doanh thương mại, dịch vụ; trong đó chú trọng phát triển một số ngành như: dịch vụ sửa chữa, xây dựng, chế biến, cung ứng vật liệu xây dựng, kinh doanh nhà hàng, đại lý – những ngành còn đang thiếu ở địa phương.
Hàng năm, huyện ban hành nhiều văn bản, tổ chức hoạt động hưởng ứng các ngày lễ vì người tiêu dùng. Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện cho nhiều hộ dân, hợp tác xã (HTX) được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ nguồn lực từ nhiều chương trình, chính sách để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến ngay tại địa phương tạo thành những mặt hàng chủ lực cạnh tranh trên thị trường.
Đi dọc các tuyến phố, khu chợ tại thị trấn Nậm Nhùn, chúng tôi thấy những cửa hàng tạp hoá lớn, nhà hàng sang trọng, sạch sẽ. Qua lời kể của người dân nơi đây, mấy năm nay, quán ăn, cửa hàng, nhà hàng mọc lên nhiều hơn, đa dạng các loại thực phẩm, mặt hàng để lựa chọn, chất lượng đảm bảo. Qua đó, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của Nhân dân.
Các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Nậm Nhùn chú trọng đa dạng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Quan sát kỹ hơn các mặt hàng tại cửa hàng kinh doanh tạp hoá từ trung tâm huyện vào đến các xã, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các sản phẩm bán ra đều sản xuất tại Việt Nam. Nhiều thương hiệu nổi tiếng: Vinamilk, Orio, Tràng An, Kinh Đô đã tới tận các xã, bản vùng sâu, vùng xa.
Chị Trương Thị Ngận (bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng) chia sẻ: Bây giờ có đường thuận lợi nên các nhà phân phối chở hàng vào tận bản cho chúng tôi. Các mặt hàng được cải tiến mẫu mã, chất lượng tốt hơn. Giờ đây, cuộc sống bà con trong xã, trong bản khá hơn nên có nhu cầu mua sắm các sản phẩm tốt hơn đảm bảo sức khoẻ. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cửa hàng tôi chỉ bán những sản phẩm do các cơ sở trong nước sản xuất, vừa chất lượng, giá thành ổn định, phù hợp với túi tiền của người dân. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình tôi tăng lên mỗi năm.
Điều vui mừng hơn là hiện nay trên địa bàn huyện có các HTX mạnh dạn đầu tư dây chuyền, máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến các sản phẩm như: mật ong, cao cà gai leo, trà cà gai leo mang thương hiệu OCOP 3 sao của tỉnh để cung ứng ra thị trường. Điển hình như HTX Nông nghiệp, Xây dựng và Thương mại Nậm Nhùn đã và đang bao tiêu sản phẩm mật ong cho người dân trên địa bàn huyện, khuyến khích các hộ dân nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật. HTX thanh niên Trường Thịnh liên kết với người dân phát triển mở rộng quy mô vùng nguyên liệu cà gai leo trên 3ha. Qua đó, giúp huyện giải quyết bài toán về việc làm cho lao động nông thôn, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Hiện nay, toàn huyện Nậm Nhùn có 422 cơ sở kinh doanh dịch vụ tiêu dùng, trong đó: 47 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ăn uống, 375 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán tạp hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn 3 tháng đầu năm nay đạt 46,5 tỷ đồng. Đời sống của Nhân dân huyện nghèo đang từng ngày nâng lên, diện mạo nông thôn theo đó khởi sắc hơn.