14:50, 24/03/2023
Sáng 24/3, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 23).
Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cùng lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
Về phía tỉnh Đắk Lắk có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung; Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.
Các đại biểu chủ trì hội nghị. |
Tây Nguyên là một trong 6 vùng kinh tế – xã hội của cả nước, gồm 5 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Những năm qua, giáo dục Tây Nguyên ngày càng phát triển theo hướng bài bản hơn. Cụ thể, năm học 2020 – 2021 toàn vùng có 734 cơ sở giáo dục mầm non (tăng 167 trường so với năm học 2010 – 2011) với 2.365 điểm trường (tăng 302 điểm trường); 2.116 cơ sở giáo dục phổ thông với hơn 1,2 triệu học sinh, trong đó có 459.654 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm 37,6% tổng số học sinh toàn vùng. Năm học 2021 – 2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc mầm non là 42,23% (tăng 31,5% so với năm học 2010 – 2011); tiểu học là 59,14% (tăng 36,7%); THCS là 50,49% (tăng 42,7% so với năm học 2010 – 2011); THPT là 35,58% (tăng 28,8%). Các trường cơ bản đều đã có phòng học bộ môn với 3.051 phòng, đạt tỷ lệ 2,4 phòng/trường; ưu tiên đầu tư bổ sung thêm phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ cho cấp Tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các địa phương cũng đã chú trọng công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi với tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,93%; tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc THCS đạt 90%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương đạt 68,3%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học THCS đạt 99,03% (tăng 1,61% so với năm học 2010 – 2011); tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt 99,4% (tăng 1,4%)…
Tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại khu vực tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo là 12.812 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2011.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Mục tiêu đến năm 2030, giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, ngoại ngữ, tin học; cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của vùng; tăng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập… Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như: có ít nhất 60% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tiểu học khoảng 65%, THCS khoảng 75%, THPT khoảng 60%; xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP. Buôn Ma Thuột, Đà Lạt; mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng, trong đó ưu tiên phát triển Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt… Năm 2045 sẽ thiết lập một hệ thống giáo dục mở, công bằng, bình đẳng phục vụ học tập suốt đời; quy hoạch mạng lưới giáo dục mở…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục tại vùng Tây Nguyên: việc sắp xếp mạng lưới trường lớp của vùng hiện nay vẫn chưa khoa học; nhiều trường còn thiếu phòng học, thiếu nhà vệ sinh; trang thiết bị phục vụ học tập giảng dạy còn thiếu; cơ cấu giáo viên giữa các bộ môn, các cấp học chưa đồng bộ… Các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng Tây Nguyên, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để thúc đẩy giáo dục phát triển, tạo đà cho kinh tế – xã hội phát triển; chú trọng giáo dục văn hoá bản địa, tiếng dân tộc thiểu số để phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu giáo dục chung của cả nước cũng như gìn giữ văn hoá Tây Nguyên…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh trình bày tham luận tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác phát triển giáo dục trong bối cảnh đổi mới hiện nay; mạng lưới trường, lớp được mở rộng đến khắp các thôn, buôn, nhằm bảo đảm duy trì và huy động tối đa số học sinh đến trường; các huyện, thị xã, thành phố đã có trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú đã tạo điều kiện để con em đồng bào dân tộc được đến trường, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Hội nghị là cơ hội để tỉnh đánh giá tình hình giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 – 2022, từ đó đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc phân tích kỹ đặc điểm vùng miền, đặc biệt là đặc thù về giáo dục sẽ tạo tiền đề để Tây Nguyên giải quyết được khó khăn và thực hiện hiệu quả việc đổi mới giáo dục theo khung chương trình chung của cả nước. Với những đặc thù riêng của vùng (địa bàn rộng, đời sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao) thì Tây Nguyên phải nỗ lực hơn nhiều so với các tỉnh thành khác trên cả nước.
Do đó, thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung cao độ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng tỷ lệ học sinh theo học ở các bậc đại học. Sở Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh tham mưu UBND có sự đầu tư đúng mức, đúng thời điểm cho giáo dục để giáo dục và đào tạo phát triển; lưu ý thời điểm hiện nay để ngành giáo dục có cơ sở hạ tầng và đủ nguồn lực để phát triển, tạo nền tảng thực hiện có hiệu quả các chương trình giáo dục hiện hành; từ đó tạo nguồn nhân lực cho toàn vùng trên mọi lĩnh vực trong tương lai, nhất là nguồn lực phục vụ trực tiếp cho kinh tế nông nghiệp và văn hoá Tây Nguyên.
Thanh Hường