Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết: Việt Nam và các quốc gia đang phát triển trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức từ quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, và phát triển kinh tế – xã hội. Nhu cầu tiêu thụ tài nguyên lớn, công nghệ kém phát triển dẫn đến quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên không hiệu quả, thiếu tính bền vững. Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành xu thế bao trùm thế giới, mô hình kinh tế tuần hoàn được đưa ra như một giải pháp, cách tiếp cận thay thế cho mô hình tuyến tính, giúp phục hồi phát triển, khắc phục, ứng phó với tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên không bền vững, hạn chế phát sinh chất thải, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Từ những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cùng với chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với UNIDO xây dựng Dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn các-bon thấp thông qua đổi mới công nghệ sạch hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam”. Với tổng số vốn đầu tư hơn 11 triệu đô-la Mỹ, dự án sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn định hướng phát triển bền vững, thông qua đổi mới công nghệ sạch và sáng tạo ở Việt Nam.
Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cho biết, các hoạt động của dự án sẽ giúp củng cố và tăng cường sự kết nối giữa khung thể chế, chính sách và hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới công nghệ sạch quốc gia; chuyển đổi các giải pháp công nghệ sạch, sáng tạo từ giai đoạn sơ khai thành các doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô. Dự án cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin với cộng đồng.
Theo TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có lợi thế học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế tuần hoàngắn với công nghệ cao, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế tuần hoàn, cần có lộ trình xây dựng luật cho phát triển kinh tế tuần hoàn, hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàngắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế và phù hợp với xu thế trong khu vực và trên thế giới. Các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, nên cần có cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, hỗ trợ phát triển công nghệ sách, tái sử dụng, tái chế chất thải; tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, từ đó chuyển giao và áp dụng vào thực trạng tại Việt Nam.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp đã có các bài trình bày về khung chính sách và pháp lý để phát triển kinh tế tuần hoàn, thực trạng đổi mới sáng tạo định hướng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cũng như đã giới thiệu một số giải pháp công nghệ, mô hình kinh tế tuần hoàn có tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh siết chặt vấn đề quản lý chất thải, các đại biểu nhấn mạnh về sự cần thiết phải thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoànmột cách bài bản hơn ngay từ khâu thiết kế, quy hoạch không gian địa phương. Việc thiết kế sản phẩm có định hướng chất thải đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác; sử dụng chất liệu dễ tái chế, thu hồi, tái sử dụng…
Theo Luật Bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”; kèm theo hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Luật Chuyển giao công nghệ 2017 định nghĩa thuật ngữ công nghệ sạch tại Việt Nam “là công nghệ tạo ra chất gây ô nhiễm môi trường ở mức thấp theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng tài nguyên không tái tạo ít hơn so với công nghệ hiện có”.
Một trong những quan điểm phát triển được đưa ra trong Nghị quyết số 81/2023/QH2015 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn”.