Ngày 8/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại và triển khai các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2024 có những dấu hiệu tích cực. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 28.300 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10,7%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 18,2%.
Quang cảnh buổi làm việc. |
UBND tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với bộ Công thương trong việc xây dựng đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất. Các dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II và III thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung đang được triển khai các bước về hồ sơ, thủ tục.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2024, hoạt động công nghiệp – thương mại trên địa bàn tỉnh có nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại hạn chế cần Bộ Công Thương hỗ trợ cho tỉnh.
Theo ông Giang, Quảng Ngãi hiện có 5 khu công nghiệp (3 khu trong khu kinh tế và 2 khu ngoài khu kinh tế), 20 cụm công nghiệp. So với các tỉnh có cùng quy mô kinh tế thì số lượng này còn khiêm tốn. Hạ tầng thương mại còn hạn chế và còn nhiều dư địa tiềm năng để phát triển. Số lượng doanh nghiệp tầm trung của tỉnh còn ít so với địa phương khác. Toàn tỉnh có gần 6.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ 1/3 doanh nghiệp có đóng góp nguồn thu ngân sách, chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của tỉnh thấp cũng phản ánh thực trạng này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang mong Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ để tỉnh khai thác tốt những dư địa, lợi thế phát triển công nghiệp – thương mại. |
“CPI 7 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Ngãi tăng 3,28% so với 4,12% của cả nước. CPI thấp là tốt. Nhưng nếu so với mặt bằng chung là CPI thấp cũng có nghĩa là thương mại trên địa bàn tỉnh chưa sôi động, sầm uất”, ông Giang nói.
Để khai thác tốt các dư địa, tiềm năng phát triển công nghiệp – thương mại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Công thương và các đơn vị thuộc Bộ quan tâm giúp đỡ tỉnh trong các hoạt động liên quan đến hoạt động công nghiệp – thương mại từ hỏi đáp, tháo gỡ, hướng dẫn. Cùng với đó, giới thiệu các nhà đầu tư đến với tỉnh như đầu tư các trung tâm thương mại, các dự án hạ tầng công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị của UBND tỉnh Quảng Ngãi trong việc chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn công tác.
Theo Bộ trưởng, lĩnh vực công thương tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục.
Bộ trưởng bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên kết luận tại buổi làm việc. |
Trước hết, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP của tỉnh nhưng cơ cấu các lĩnh vực trong ngành công nghiệp còn mất cân đối nghiêm trọng, phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực lọc, hóa dầu; công nghiệp khai khoáng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng trên địa bàn vẫn còn vướng mắc.
Chuỗi liên kết giữa ngành lọc, hoá dầu với các ngành hạ nguồn, nguyên liệu còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ phát triển còn chậm. Thiếu nhân lực chất lượng cao tại chỗ, đa số vẫn là lao động phổ thông, trình độ và tay nghề thấp; Phát triển kinh tế biển chưa xứng với tiềm năng, chưa tạo động lực chính cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh Quảng Ngãi đã đề ra thời gian tới, Bộ trưởng cơ bản nhất trí và đề nghị địa phương quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ chủ đạo.
Thúc đẩy liên kết giữa KKT Dung Quất với KKT mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm tại Quảng Ngãi. |
Quảng Ngãi cũng cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Trong đó, một mặt chú trọng phát triển những ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, luyện thép chất lượng cao, công nghiệp đóng tàu,…
Áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng logistics và hạ tầng các khu công nghiệp quan trọng đã được thành lập, đặc biệt là khu kinh tế Dung Quất để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.
Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước. Đồng thời, xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia.
Nguồn: https://baophapluat.vn/thuc-day-de-hinh-thanh-trung-tam-cong-nghiep-ven-bien-trong-diem-khu-vuc-duyen-hai-trung-bo-post521232.html