Sau gần 40 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức khá, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thực chất hơn trong các ngành, lĩnh vực, chất lượng nguồn nhân lực ngày một nâng lên; đời sống các tầng lớp dân cư tiếp tục được cải thiện, sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ đáng kể.
Sản xuất dược phẩm tại Công ty TNHH Nam Dược, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định). |
Ngành công nghiệp phát triển đúng hướng và đạt tốc độ tăng trưởng cao; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp mười năm 2011-2020 tăng bình quân 12,06%/năm; năm 2022 tăng 14,29% so với năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu với 98,6% và giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp với mức tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2020 là 12,12%/năm; năm 2022 tăng 14,58% so với năm 2021. Khu vực thương mại, dịch vụ được cơ cấu theo hướng hiện đại, hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị. Ngành Nông nghiệp tăng trưởng ổn định và bền vững, từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại. Nông nghiệp đã phát huy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến góp phần đẩy nhanh tăng trưởng ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình CNH, HĐH của tỉnh gặp không ít khó khăn, hạn chế. Quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn thuộc loại nhỏ so với các tỉnh trong khu vực. Mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao nên chất lượng tăng trưởng còn hạn chế. Năng suất lao động còn thấp so với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Nông nghiệp và nông thôn có nhiều khởi sắc nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ và phân tán, chất lượng nông sản chưa cao. Các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp chưa nhiều; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Khu vực công nghiệp động lực phát triển của nền kinh tế chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tham gia ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP vẫn còn cao, giá trị tăng thêm chưa nhiều. Một số ngành dịch vụ mang tính chất động lực của nền kinh tế như tài chính, tín dụng, viễn thông, công nghệ thông tin còn chiếm tỷ trọng thấp…
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Cụ thể, ngày 12-4-2023 Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 34-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; ngày 15-5-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 80/KH-UBND về thúc đẩy CNH, HĐH. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng tỉnh Nam Định cơ bản đạt các tiêu chí: Có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đời sống của nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu tỉnh Nam Định là một cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Trong đó, các chỉ tiêu tiêu cụ thể đến năm 2030 tỉnh phấn đấu đạt: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh 2010) tăng bình quân 9-9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt mức bình quân chung của vùng đồng bằng sông Hồng. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 35%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%. Thuộc nhóm khá của vùng đồng bằng sông Hồng về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GRDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 35% GRDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 40% giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt 31-32% GRDP. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 45%.
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương phối kết hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt, cụ thể 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm gồm: Tích cực quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Chương trình hành động số 34-CTr/TU, Kế hoạch 80/KH-UBND. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh thúc đẩy CNH, HĐH. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp – thương mại – dịch vụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tạo thêm nguồn thu ngân sách. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho CNH, HĐH. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH, HĐH. Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH, HĐH nhanh, bền vững. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Tăng cường quan hệ hợp tác, học tập kinh nghiệm các địa phương trong nước, các tổ chức khoa học và công nghệ Trung ương để tiếp nhận các kết quả nghiên cứu, các công nghệ có giá trị sử dụng lớn, mang lại hiệu quả cao cho phát triển sản xuất trong tỉnh; chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Triển khai các chế độ hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ (sáng chế/giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa, quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc…) phục vụ sản xuất, kinh doanh. Chú trọng cơ cấu lại nông nghiệp đảm bảo thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế của tỉnh; tập trung triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, kế hoạch thực hiện các chiến lược phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, kế hoạch phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2025. Phát triển Công nghiệp phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý sản xuất tiên tiến; đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, các hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ; tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương như cơ khí sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, sợi, dệt, nhuộm, may thời trang cao cấp đồng bộ với các ngành có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách; xây dựng lại cơ cấu thị trường, chuyển dịch sản xuất các mặt hàng theo hướng tăng sản phẩm chế biến và chế biến sâu, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, gia công trong cơ cấu hàng xuất khẩu, phát triển và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa. Khu vực thương mại, dịch vụ tích cực thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nhất là các doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng, phát triển du lịch; khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương trong mối tương quan với du lịch của vùng; phát triển các trung tâm vui chơi, giải trí để khai thác những điều kiện, lợi thế về cảnh quan, sinh thái, các giá trị văn hoá, tâm linh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy