Tăng thêm tiện ích để tăng độ phủ xe xanh

Một vấn đề phần lớn người mua xe điện quan tâm là khả năng đáp ứng nhu cầu sạc pin cho ô tô. Phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam không có nhu cầu lắp đặt sạc tại nhà do các rào cản trong việc lắp đặt cũng như chi phí. Điều này mở ra cơ hội cho việc nâng cấp, cũng như lắp đặt các trạm sạc công cộng. Bên cạnh đó, minh bạch về giá là ưu tiên quan trọng nhất đối với người tiêu dùng Việt Nam khi mua xe.

Anh Nguyễn Đức Dũng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhìn nhận, khi người sử dụng xe ô tô điện ngày càng nhiều thì việc đáp ứng đủ trạm sạc là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Anh Dũng đã chứng kiến ở một số khu vực tình trạng xe xếp hàng chờ đến lượt sạc pin đã diễn ra, thậm chí nhiều hôm đến tối muộn vẫn có xe đang chờ sạc pin để ngày hôm sau có thể vận hành.

Cần tăng thêm tiện ích, sự thuận tiện để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn phương tiện sử dụng điện. Ảnh: BẢO LINH 

Kinh nghiệm từ một số người đã có thời gian sử dụng ô tô điện cho thấy, trước mỗi hành trình, nhất là với quãng đường đi xa cần tính toán lộ trình hợp lý, bảo đảm có điểm sạc ở nơi đến và không hết pin dọc đường. Có thể nói, độ phủ của trạm sạc càng rộng, khả năng thu hút người dân đến với phương tiện giao thông xanh càng thuận lợi hơn.

Bên cạnh xe cá nhân, các phương tiện vận tải công cộng có động cơ điện cũng đang được chú trọng hơn và bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực. Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa vào vận hành xe buýt điện.

Theo đánh giá của hành khách, xe buýt điện có tiện nghi và an toàn vượt trội cho hành khách. Xe có hệ thống tự động kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn hay chế độ tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống phù hợp với người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai… Hiên nay, ngoài chạy trên một số tuyến xe buýt ở Hà Nội, xe buýt điện cũng được đưa vào phục vụ hành khách nối chuyến ở sân bay Nội Bài.

Cùng với xe buýt, xe taxi sử dụng ô tô điện đã xuất hiện tại một số thành phố trên cả nước. Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM đơn vị vận hành taxi điện Xanh SM cho biết, ngày càng nhiều người dùng muốn được trải nghiệm xe điện, tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau, nhiều người chưa thể hoặc chưa muốn sở hữu ngay phương tiện di chuyển xanh, thông minh này.

Mong muốn của đơn vị cho thuê xe và taxi điện là để khách hàng được trực tiếp trải nghiệm phương tiện xanh với giá cả hợp lý. Qua trải nghiệm thực tế các tính năng trên xe, sẽ có nhiều người mong muốn sở hữu xe điện, từ đó thay đổi thói quen để hướng tới cái đích chung là một môi trường giảm thiểu ô nhiễm.

Xe buýt điện hoạt động tại Hà Nội. Ảnh: BẢO LINH 

Số lượng xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại nước ta gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Năm 2021, chỉ có 167 ô tô điện được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận; năm 2023, đến hết  ngày 12-7 đã có 12.585 xe ô tô điện được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, các loại ô tô điện tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là ô tô con và ô tô buýt thành phố.

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

7/2023

Tổng

Xe ô tô điện nhập khẩu

03

08

06

33

113

59

222

Xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp

0

0

0

134

7.483

12.226

19.843

Cộng

03

08

06

167

7.596

12.285

20.065

Số lượng ô tô điện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu tại Việt Nam được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận qua các năm. Nguồn: Bộ GTVT

Cấp thiết xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về trạm sạc

Xây dựng mạng lưới trạm sạc được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng tới quyết định của người tiêu dùng trong việc chọn xe điện, cùng với đó là yêu cầu hạ tầng cho việc tái sử dụng, tái chế pin để bảo vệ môi trường và khai thác hữu ích tài nguyên.

Hệ thống trạm sạc điện có độ bao phủ cao nhất hiện nay tại Việt Nam là của Công ty VinFast với các trạm sạc điện được đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu dọc cao tốc, quốc lộ. VinFast phát triển hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và xe ô tô điện, trải dài khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam.

Một doanh nghiệp khác cũng cung cấp giải pháp sạc cho xe điện hiện nay tại Việt Nam là Công ty EVIDA với sản phẩm sạc xe điện thông minh EBOOST. Đơn vị này đang cung cấp thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống trạm sạc xe điện với hơn 850 điểm sạc điện trên cả nước. EBOOST là giải pháp có nền tảng công nghệ và số hóa hoàn toàn, phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

 Một trạm sạc cho xe điện tại Hà Nội. Ảnh: BẢO LINH

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã nhập cuộc với sản phẩm được phát triển bởi Trung tâm sản xuất điện tử điện lực miền Trung (thuộc EVN). Hiện nay, EVN đã hoàn thành và bàn giao 6 trạm sạc đến khách hàng, dự kiến lắp đặt tại Hà Nội. Đây là trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam đến từ một nhà sản xuất không làm ô tô.

Một số thương hiệu ô tô như Porsche, Audi hay Mercedes-Benz cũng đã thiết lập hệ thống trạm sạc cho khách hàng, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng. Các thương hiệu như Audi hay Mercedes-Benz đều có kế hoạch mở rộng hệ thống trạm sạc, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hệ thống trạm sạc cho xe điện cũng đã bày tỏ ý định mở rộng thị trường kinh doanh trạm sạc điện tại Việt Nam như Siemens, Charge+, ABB. 

Tuy số lượng trạm sạc điện đang gia tăng đáng kể theo từng năm, nhưng cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có  của Việt Nam. 

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Việt Nam chưa có hạ tầng hệ thống trạm sạc, tiêu chuẩn cho trạm sạc và nhà cung cấp trạm sạc. Trước mắt, Việt Nam cần có tiêu chuẩn Quốc gia cho trạm sạc và bảo đảm trạm sạc nhanh có thể sử dụng được cho xe điện của tất cả các thương hiệu, đáp ứng cho các dòng xe mà các hãng có thể cung cấp ra thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Một số ý kiến của chuyên gia cho rằng, các hãng sản xuất ô tô nên tập trung vào việc làm ra sản phẩm và cung cấp cho thị trường. Hạ tầng trạm sạc nên để cho bên thứ ba cung cấp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế hoặc các hãng sản xuất ô tô cùng bắt tay vào đầu tư, tránh việc mỗi hãng xây dựng hệ thống trạm sạc riêng, có thể không tương thích giữa xe của các hãng khác nhau hoặc cản trở việc xe của hãng này sử dụng trạm sạc của hãng kia.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc ban hành các quy chuẩn Việt Nam về trạm sạc điện, chuẩn kết nối trạm sạc phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc quốc tế. 

Bên cạnh đó, cần co quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư; bố trí trạm sạc điện công cộng đối với các cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo (bến xe, trạm dừng nghỉ, khu đô thị, điểm đỗ, trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, chung cư, khu đô thị, nhà hàng, điểm trông giữ xe công cộng, trụ sở cơ quan hành chính…).

Cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng trên các công trình có mục đích sử dụng đất như hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm sạc. Nghiên cứu việc miễn giấy phép xây dựng và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi lắp đặt trạm sạc điện. Ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc điện công cộng. 

Người dân lái thử xe máy điện. Ảnh: BẢO LINH 

Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi cho người dùng xe điện

Các chính sách ưu đãi cho người sử dụng xe điện được xem là những giải pháp cụ thể giúp giảm giá xe điện, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận hơn với loại phương tiện xanh. Qua đó, mang đến tín hiệu tích cực, tạo đà phát triển cho thị trường ô tô điện trong nước. 

Cùng với các chính sách về miễn, giảm lệ phí trước bạ cho ô tô điện, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28-2-2027 đối với ô tô điện sản xuất, lắp ráp trong nước. Miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo. Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho xe ô tô điện cho 2 năm tiếp theo.  

Một trong những đề xuất đáng chú ý là trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện với mức khoảng 1000 USD/xe. 

Cùng với đó là đề xuất các chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện như miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện; miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo. Ưu đãi giá bán điện bằng giá điện phục vụ sản xuất.  

Song song với thúc đẩy sử dụng xe điện, cơ quan quản lý Nhà nước cũng đề nghị cần xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa  thạch. Với các giải pháp đồng bộ từ khuyến khích sản xuất đến tiêu dùng hứa hẹn xe điện sẽ trở thành làn sóng mới, góp phần xây dựng môi trường giao thông xanh, sạch, văn minh, an toàn. 

MẠNH HƯNG – VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.