(MPI) – Trình bày Báo cáo giải trình về kinh tế – xã hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều ngày 12/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến nội dung về thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình về kinh tế – xã hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, xanh, bền vững và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng, tạo cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số và triển khai hiệu quả Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở.
Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân; chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người” và tiến bộ vượt bậc. Thương mại điện tử phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, như một số vị đại biểu Quốc hội đã nêu, đây là lĩnh vực mới nên các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số còn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cải cách hành chính còn chậm; thủ tục còn rườm rà, ách tắc; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét. Chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, co cụm dữ liệu”. Nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, mặc dù Chỉ số an toàn, an ninh mạng của nước ta năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194, nhưng an toàn thông tin, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là người đứng đầu còn thiếu quyết liệt, sâu sát; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, thiếu công cụ theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, xử lý các mặt tiêu cực…
Thời gian tới, với phương châm “tăng tốc, bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; Hoàn thiện hành lang pháp lý số (như Luật Dữ liệu, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân); đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nhất là công nghệ vệ tinh, Internet vạn vật, điện toán đám mây… Xây dựng trung tâm công nghiệp kỹ thuật số, dữ liệu lớn, ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Huy động nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển phục vụ chuyển đổi số; xây dựng chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi tài chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn. Phát triển nguồn nhân lực số, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”.
Về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản và chỉ đạo triển khai nhiều cơ chế, chính sách, đề án phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao và đạt được những kết quả tích cực. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong xây dựng chính sách, kết nối, thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 56/100. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 (tăng 4 bậc so với năm 2022). Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào nhóm 200 thành phố đứng đầu về khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Tuy nhiên, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao còn chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa được như mong muốn. Thể chế, cơ chế, chính sách chưa có đột phá; đầu tư cho KHCN, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa thực sự hiệu quả; sự gắn kết giữa các chủ thể, nhất là Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ và có hiệu quả. Khoảng cách lớn về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; hạn chế về nguồn lực, trình độ và năng lực cạnh tranh về KHCN, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những cơ hội thuận lợi của “người đi sau” (có điều kiện nghiên cứu, phát triển, ứng dụng ngay những công nghệ, giải pháp mới, tốt nhất và phù hợp điều kiện Việt Nam); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động, sáng tạo, có năng khiếu về logic và toán học.
Thủ tướng nhấn mạnh, với quan điểm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo là mục tiêu, động lực, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng KHCN, chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương; lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là nền tảng.
Bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi NSNN cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là hợp tác công – tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng đến chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50 nghìn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-14/Thuc-day-chuyen-doi-so-doi-moi-sang-tao-gan-voi-dacd2o3q.aspx