Với chương trình toàn cầu phát triển bền vững đến năm 2030 và mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam ngày càng hoàn thiện trong các cơ chế, chính sách và chương trình thúc đẩy bình đẳng giới.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” (LNOB) là trung tâm, mục tiêu hướng tới của Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững năm 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). LNOB cũng là một trong sáu Nguyên tắc Định hướng Khung hợp tác của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, đề cập tới cam kết của tất cả các thành viên Liên hợp quốc về việc đẩy lùi đói nghèo (dưới mọi hình thức), chấm dứt phân biệt đối xử và kỳ thị, giảm thiểu bất bình đẳng và gây tổn thương khiến các nhóm cá thể bị bỏ lại phía sau và mất phương hướng phát triển.
Qua 15 năm thực hiện MDG, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã gặt hái được thành công nhiều nhất. Cụ thể, trong 8 mục tiêu đặt ra tại MDG, Việt Nam hoàn thành trước thời hạn 4 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ, tăng cường sức khỏe bà mẹ); 4 mục tiêu còn lại đạt được nhiều tiến bộ.
Việt Nam hướng tới LNOB trong thúc đẩy bình đẳng giới
Trong quá trình dài thực hiện các mục tiêu phát triển, Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện các quy định về chống phân biệt đối xử về giới. Trong số các công ước khung về nhân quyền quốc tế, Việt Nam ký từ rất sớm Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ năm 1980 (CEDAW) và đạt được nhiều tiến bộ trong nội luật hóa cam kết này. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành năm 2007.
Khởi động cho các hành động thiết thực của Việt Nam là hiến định bình đẳng giới tại Điều 26 Hiến pháp năm 2013, trong đó nêu rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội Bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Trong các lĩnh vực chính trị, y tế, giáo dục, hôn nhân – gia đình, lao động, các quyền đảm bảo bình đẳng giới đều được ghi nhận trong các điều luật và chính sách.
Chống phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới
Việt Nam cũng nhanh chóng từng bước bổ sung các quy định về chống phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới, hướng tới mục tiêu “Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Điều này được cụ thể hóa thông qua sự tham gia của Việt Nam tại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và bước đầu chấp nhận, triển khai nhiều khuyến nghị liên quan đến chống phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới tại chu kỳ 2 và 3 của rà soát.
Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 đã loại bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”, Bộ luật dân sự năm 2015 đã có quy định “quyền xác định lại giới tính”.
Đối với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính (LGBTI) và người có bản dạng giới khác, việc chống phân biệt đối xử đã được ghi nhận như một nội dung cốt lõi của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với tầm nhìn về một thế giới không còn phân biệt đối xử và cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau.
Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính và dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi của Việt Nam cũng đang được lấy ý kiến. Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14 còn đề xuất tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong Đánh giá định kỳ toàn cầu lần thứ hai năm 2014, Việt Nam cam kết ban hành luật chống phân biệt đối xử bảo đảm bình đẳng bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới, và Việt Nam đã thực hiện các bước pháp lý quan trọng đối với việc bảo vệ quyền con người của cộng đồng LGBTI.