Ngày 17/10/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên – WWF Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy bình đẳng giới để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) tại Việt Nam”, sự kiện thuộc Dự án “Cùng lên tiếng Bảo vệ các Hệ sinh thái vì Thiên nhiên và Con người”.
Tọa đàm được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của Đại biểu Quốc hội, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Sở/ban/ngành liên quan; WWF Việt Nam; Đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức NGO trong nước và quốc tế; Các doanh nghiệp, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; Các trung tâm và các viện nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học; Các chuyên gia và các cơ quan truyền thông đại chúng Trung ương và địa phương.
Các đại biểu cùng nhau trao đổi, nêu giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tăng hiệu quả trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Mục tiêu của tọa đàm bao gồm: Giới thiệu các quy định pháp luật về bình đẳng giới và cơ hội lồng ghép bình đẳng giới trong thực hiện Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học (NBSAP) tại Việt Nam; Thế mạnh của Phụ nữ trong công tác bảo tồn nói riêng và BVMT nói chung; các mô hình thực tiễn trên thế giới và kinh nghiệm từ kết quả dự án Phòng chống bạo lực giới trong ngành bảo tồn; Chia sẻ của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương về bình đẳng giới trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Bên cạnh đó, tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về các nội dung như: nhu cầu bình đẳng giới trong bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới và áp dụng tại Việt Nam: từ việc tham gia bảo tồn, xây dựng chính sách bảo tồn đến chia sẻ lợi ích từ hoạt động bảo tồn, và các giải pháp từng bước để đưa bình đẳng giới thành một tiêu chí đánh giá trong các hoạt động thực hiện NBSAP của Việt Nam, các giải pháp để huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu bình đẳng giới cho lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học này là nguồn gien quý báu cho phát triển bền vững của Việt Nam. Từ xưa đến nay, những loài động thực vật phong phú đã được các gia đình Việt Nam sử dụng cho mọi mặt của đời sống, đặc biệt là nhờ bàn tay của những người phụ nữ. Từ tạo ra sản phẩm, đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm cho đời sống từ nguồn tài nguyên đa dạng đều có sự hiện diện của phụ nữ. Ngày nay, nữ giới không chỉ là đối tượng hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu mà còn là lực lượng tham gia tích cực vào những nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, tiềm lực của phụ nữ vẫn chưa được khai thác đầy đủ để xứng đáng với vai trò của mình. Nữ giới vẫn bị thiệt thòi trong tiếp cận các lợi ích từ rừng, cảnh quan thiên nhiên, thể hiện ở sự chênh lệch giữa nam và nữ về tỷ lệ đăng ký tham gia và nhận tiền phân bổ từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận đối với các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật, ngoài ra, thu nhập của phụ nữ thường thấp hơn nam giới và khoảng cách lương theo giới trong ngành lâm nghiệp lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Việc tận dụng những sự khác biệt và sự đa dạng về vai trò, nhu cầu và kinh nghiệm của những tầng lớp, đối tượng và giới tính khác nhau trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên là vô cùng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Trong đó trao quyền cho phụ nữ là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự bền vững của công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Nhằm tăng cường phổ biến và trao đổi thông tin về bảo tồn đa dạng sinh học trong nước và quốc tế, dựa trên nhu cầu thực tế của công tác bảo tồn, sự thúc đẩy và phát huy vai trò mỗi cá nhân – đặc biệt là phụ nữ – trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã; đồng thời nhận diện các rào cản, thách thức và đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách khuyến khích tăng cường vai trò của phụ nữ tham gia thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học.
Diêm Giang