Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thức cùng thượng nguồn

Lọt giữa hai đỉnh núi Chư Yang Sin và Bidoup là thung sâu huyền thoại, nơi có chiếc cầu vượt thượng nguồn sông Krông Nô để nối nhịp con đường Trường Sơn Đông giữa hai bờ Lâm Đồng - Đắk Lắk.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk20/04/2025

Thức với đầu núi, đầu sông, với chim muông an trú đại ngàn, con người cảm nhận rõ rệt sự nhỏ bé của mình trong mê cung tầng bậc cảm xúc diệu huyền.

Sông Krông Nô uốn mình, bên hữu là Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, phía tả là Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Vườn Chư Yang Sin rất lớn, gần 59.000 ha với đỉnh núi Chư Yang Sin cao đến 2.442 m. Vườn Bidoup - Núi Bà càng lớn, 64.800 ha với đỉnh Bidoup cao gần 2.300 m. Không chỉ có đai độ cao và diện tích lớn, nơi này còn có nguồn dự trữ gene quý hiếm và đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam. Các nhà khoa học đã ghi nhận, thực vật của Chư Yang Sin có 143 loài đặc hữu nước Việt, trong đó 54 loài trong Sách Đỏ Việt Nam; 203 loài chim; 46 loài thú. Ở Bidoup - Núi Bà, thực vật có tới 96 loài đặc hữu và 62 loài quý hiếm trong Sách đỏ IUCN năm 2009; 441 loài động vật có xương sống, 32 loài được liệt kê trong Sách đỏ IUCN. Bidoup-Núi Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới…

Dòng Krông Nô bảng lảng sương khói.

Có đến những chốn sơn cùng thủy tận, sơn lam chướng khí mới cảm nhận đủ cái tình nghĩa của những con người chung lưng đấu cật giữ gìn tài nguyên thiên nhiên. Vườn quốc gia là riêng, nói về quản lý hành chính nhưng cũng là chung tay bảo vệ. Để thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và Bidoup - Núi Bà đều đặt các trạm trên doi đất của nhau. Tả ngạn sông Krông Nô, đất Lâm Đồng, nơi dựng Trạm số 10 của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, hữu ngạn là đất Đắk Lắk, chốt của Trạm Kiểm lâm Krông Nô thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Đặt chốt như vậy vừa bao quát vừa gần gũi. Vùng sâu vùng xa về địa giới được đắp đổi gần gũi bằng tình tương hỗ.

Trạm 10 có 12 người, quản lý 5.000 ha, anh Đỗ Văn Lâm quê gốc Hà Tây làm Trưởng trạm. Lâm bảo: “Chúng tôi ở hai vườn đều coi nhau như anh em, có gì đều giúp đỡ nhau anh ạ!”. Ở đâu cũng thế, sự cố kết đùm bọc vốn là bản tính của loài người mỗi khi phải đặt vào môi trường sinh tồn khắc nghiệt. Rồi mỗi cá nhân tích góp những kỹ năng thích nghi. Ai cũng thán phục Ma Văn Lý (dân tộc H’Mông) ở Trạm Krông Nô vừa hoàn thành tốt nhận khoán quản lý 30 ha rừng vừa sắm ô tô chở hàng cho vợ là Kon Sơ Ka Long, sơn nữ K’Ho bán tạp hóa. Cặp vợ chồng H’Mông - K’Ho càng hạnh phúc khi góp phần phủ xanh Tiểu khu 26, 27 một thời trơ trọi nay hòa với đại ngàn yêu dấu. Hơn ai hết, họ hiểu rằng phải dựa vào rừng, dưỡng rừng thì mới sống được…

Dòng Krông Nô uốn mình giữa hai vườn quốc gia.

Nơi thung sâu không có sóng điện thoại nhưng như có tất cả, quý giá. Đó là không gian sống an lành và thân thiện, được chở che và chứng minh từ thế giới các đấng thần linh, các vị thần Rừng, thần Núi, thần Nước, thần Mặt trời… Con người nhỏ bé, sự ứng xử mặc nhiên chỉ bằng tâm thành và đại lượng. Bắt đầu từ sự chỉn chu thành kính khi làm lễ cúng rừng đầu năm nguyện ước một năm rừng an ổn.      

Ánh chiều xiên khoai qua tán lá. Những cánh bướm nhiều sắc chấp chới bãi hoa lau. Ngọt ngào thung lũng ong. Chúng mẫn cán hút tinh túy các loài hoa pơ lang, móng bò, cúc xuyến chi, cà dại… Thạc sĩ phân loài thực vật Trương Quang Cường là người neo rừng làm chốn đi về, am tường sâu về thực vật, tiềm tàng nội lực hào sảng giải thích từng loài cây cho tôi rồi nhấn nha câu thơ của Nguyễn Đình Huân: “Hoa pơ lang hay mộc miên đã nở/ Trên núi cao pơ lang bùng cháy đỏ/ Như tình người trong nắng gió Ban Mê… Bầy ong mật cứ quấn quýt bên hoa/ Lũ chim rừng cất tiếng ca thánh thót”.

Khoảng trời thu nhanh. Hơn 17 giờ chúng tôi đỏ lửa cho bữa cơm tối. Bữa ăn không vội cũng chẳng nhẩn nha nhưng đậm đà cho khứu giác, vị giác, thị giác bởi tổng hòa của các loài rau rừng như sóc đău tôn, chát, bài, s’răng… và nồng ấm tình người. Lửa thiêng bập bùng vách lá, xua tà khí đi, con người dịch lại gần nhau. Khói bếp vẩn vơ len vào triệu ức mắt lá, hòa lẫn khói sương lâng dâng từ mặt sông. Không gian lắng lại, chất chứa huyền tích. Mơ màng sắc trắng. Xa xa, mảng màu lục và lam của rừng lá thường xanh điểm xuyết. Gió chợt lặng, chỉ những cây cao cựa động. Càng xuống tầng thực vật thấp thung sâu như ngưng đọng, dòng sông tựa đường hầm không ánh sáng.

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Hoàng hôn loang dần. Màn đêm đen kịt và tĩnh mịch. Rừng ngủ sớm. U tịch len dần vào mỗi giác quan các vị khách của rừng. Nhưng sự sống của các chủ nhân đại ngàn luôn trỗi dậy. Gần nhất là bản đồng ca nối dài điệp khúc của loài dế, rỉ rả, râm ran, nỉ non. Xa hơn, thanh âm ung oang của con nước trườn qua bãi đá mườn mượt rêu xanh và chan chéo của những con ếch rền rĩ. Chốc chốc vẳng lên tiếng tắc tắc, riu riu của hợp âm từ muông thú và chim mời gọi bạn tình hay du hành tìm mồi. Thi thoảng, những âm sắc ràn rạt từ khe núi mép sông khi “gã lãng tử” gió đi hoang. Bản giao hưởng rừng hợp âm không có chương kết.

Đêm xuống rất nhanh. Chỉ còn dòng Krông Nô thao thức với điệu khúc nhẫn nại, len vào tâm can đến nao lòng. Nằm trong chiếc võng vốn đã trũng sâu do không có điểm mắc và dưới tấm bạt che tạm, dù phủ kín người bằng các lớp áo quần và cả áo mưa, mũ len, vớ tay chân nhưng cái lạnh vẫn thấu da. Tôi thao thức, sột soạt thâu đêm… để tha hồ thưởng thức bản hòa tấu đại ngàn từ nước, chim muông và gió rít. Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà Tôn Thiện An lúi húi lặng lẽ bấm đèn pin lần theo lối mòn đầy sương đi cảnh giới. Đống lửa tiền tiêu lụi dần trong sương giá…

 Sáng. Sương đọng thành những vũng nhỏ lỏm từng góc bạt che. Sông mơ mơ bảng lảng làn khói đục trôi xuôi lưng chừng. Những đỉnh núi được quàng những tấm voan trắng khiết. Mây mỡ gà sót lại trên tầng cao rừng xanh rồi dịch chuyển tan nhanh. Chốc lát, những thân cây lớn và triền đất đỏ mép sông hiển hiện khi nắng lên nhanh. Dòng sông từ xám xịt khoảnh khắc sáng sủa, mềm mại, quyến rũ. Chim muông ríu ran chở nắng mọi vùng rừng. Như mỗi bận, đại ngàn thức dậy. Sông Krông Nô vẫn bạc đầu thao thức với thế giới đá nhỏ to, ngân bản tình ca không cuối để đưa nước mát đong đầy hạ du. Sông gửi yêu thương của hương rừng, gửi cá me, cá trắng, cá k’răng… về châu thổ. Sông đánh thức con người về ý nghĩa vĩnh hằng. Sự sống chẳng bao giờ chán nản! 

Nguồn: https://baodaklak.vn/phong-su-ky-su/202504/thuc-cung-thuong-nguon-7620563/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm