Doanh nghiệp chuyển đổi xanh: Cần chính sách khuyến khích đồng bộ Thứ trưởng Phan Thị Thắng: VLA cần đẩy mạnh chuyển đổi xanh để phát triển ngành logistics Việt Nam bền vững |
Sáng ngày 8/8, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thảo “Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP tổ chức.
Hội thảo thu hút hơn 150 khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh tham dự. Ảnh: Thanh Minh |
Sự kiện được tổc chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp là các khu công nghiệp, nhà máy cập nhật xu hướng, tiếp cận và ứng dụng công nghệ chuyển đổi xanh liền mạch, hiệu quả. Đồng thời tạo ra cơ hội để doanh nghiệp được hỗ trợ, kết nối để tiến hành hiện thực hóa chuỗi giá trị tuần hoàn với công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi mới sáng tạo xanh.
Trên hành trình thuận dòng phát triển kinh tế bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới, dưới áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác, dòng vốn FDI (vốn đầu tư nước trực tiếp nước ngoài), đầu tư tài chính thế hệ mới dần tập trung vào các doanh nghiệp, nhà máy và khu công nghiệp xanh. Để tận dụng các cơ hội, lợi ích từ nguồn vốn đầu tư xanh việc chuẩn bị tâm thế, lộ trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình “Xanh hóa” cho các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế trong nước điều cần thiết và thiết thực.
Bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Minh |
Chia sẻ tại sự kiện, bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh – cho biết, thành phố là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII – Provincial Innovation Index) của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2024, chỉ số PII của TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 2. Thời gian qua, thành phố luôn tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế của thành phố vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Cùng với đó, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch để thu hút đầu tư.
“6 tháng đầu năm, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP. Hồ Chí Minh thu hút được hơn 1,2 tỷ USD”, bà Hồ Thị Quyên thông tin.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh – Giám đốc điều hành của Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP. Ảnh: Thanh Minh |
Để các doanh nghiệp nhìn nhận toàn cảnh bức tranh thách thức và cơ hội mà doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt trong kỷ nguyên BANI (khó đoán, mong manh, phi tuyến tính), bà Nguyễn Hương Quỳnh – Giám đốc điều hành của Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP có tham luận chia sẻ cụ thể về mức độ yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội đối với sứ mệnh bền vững. Điều này buộc doanh nghiệp cần tập trung xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh. Trong đó, có 3/10 xu hướng lớn của thế giới đang gắn kết mật thiết với câu chuyện tác động bền vững tới môi trường – khí hậu.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý nước thải… dự kiến đạt 61,92 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 20,8% (theo Global Green Technology and Sustainability Market).
Chuyển đổi xanh cần phải trở thành một chiến lược cấp thiết để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh và đảm bảo các tác động bền vững trong một thế giới BANI khó lường. Bà Quỳnh cho rằng, có 5 xu hướng chuyển đổi sản xuất xanh cần được các doanh nghiệp thực hiện, gồm: Tối ưu hóa năng lượng; sản xuất sản phẩm bền vững; giảm thiểu rác thải và tái chế; tăng cường công nghệ thông minh; tiếp cận sản xuất tinh gọn.
Ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (Ảnh: Thanh Minh). |
Trong khi đó, ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA) cũng có những chia sẻ, phân tích chi tiết từ góc độ toàn cầu và Việt Nam. Trong đó, các lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội của xu hướng xanh hóa các doanh nghiệp sản xuất, các công nghệ ứng dụng và một số ví dụ chuyển đổi xanh thành công tại nhà máy và khu công nghiệp tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh được làm rõ hơn.
Cũng trong chương trình, ông Trần Anh Đông – Giám đốc CAS-Energy, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các khu công nghiệp sinh thái để Việt Nam tham gia và cạnh tranh hiệu quả khi “luật chơi sản xuất xanh – xuất khẩu xanh” ngày càng siết chặt.
Ông Trần Anh Đông cũng chỉ ra, việc chuyển đổi xanh đặt các doanh nghiệp sản xuất vào thế khó về nhiều mặt: tài chính, nguồn lực, chính sách hỗ trợ… nhất là trong giai đoạn khởi tạo và vận hành. Một số giải pháp như REGreen Factory có thể giúp doanh nghiệp không chỉ tích hợp năng lượng tái tạo mà còn tối ưu hóa chi phí, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là câu chuyện chuyển đổi các nỗ lực sản xuất xanh thành tín chỉ carbon. Trong phần chia sẻ của mình, ông Vũ Trung Kiên – Chuyên gia tín chỉ carbon – Giám đốc Công ty NRG – Tan Nguyen JSC và Quản lý dự án SETS (Smart Emission Trading System) cho biết, từ năm 2021, nhu cầu về tín chỉ carbon đã tăng đột biến, dự báo đạt từ 8.000 đến 13.000 MTCO2e (đơn vị tính về ô nhiệm carbon) mỗi năm. Song song đó, nguồn cung cũng được dự báo sẽ tăng lên khoảng 8.000 MTCO2e mỗi năm để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.
Các chuyên gia tập trung phân tích, thảo luận xoay quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn chuyển đổi xanh cho nhà máy, khu công nghiệp (Ảnh: Thanh Minh). |
“Kiểm kê khí nhà kính được gợi ý là bước đầu tiên để doanh nghiệp đánh giá lượng khí thải và xây dựng lộ trình giảm phát thải. Công nghệ xanh cung cấp các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu khí thải, trong khi tài chính xanh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ này, tạo nên một vòng tròn phát triển bền vững”, ông Vũ Trung Kiên khuyến nghị.
Đáng chú ý, tại phiên thảo luận, các chuyên gia tập trung phân tích, thảo luận xoay quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, khu công nghiệp phía Nam khi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Từ đó chia sẻ một số bài học kinh nghiệm điển hình, kết nối nguồn lực và gợi ý các giải pháp công nghệ thực tế. Các doanh nghiệp tham gia chương trình cũng được kết nối, nhận tư vấn trực tiếp cùng các chuyên gia.
Theo đó, các nội dung chia sẻ của hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy các định hướng quan trọng theo Đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh giai đoạn giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” của UBND TP. Hồ Chí Minh. Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; Đề án thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh. Thúc đẩy tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. |
Nguồn: https://congthuong.vn/chuyen-doi-xanh-cho-nha-may-va-khu-cong-nghiep-thuan-dong-de-phat-trien-ben-vung-337733.html