Theo đó, dư thừa niacin (vitamin B3) – một loại vitamin B phổ biến, có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và các biến cố tim khác, theo trang tin y tế Medical Express.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ) là một phần trong cuộc điều tra về các yếu tố góp phần gây ra nguy cơ tim mạch còn chưa được biết đến.
Người dẫn đầu nghiên cứu, tiến sĩ Stanley Hazen, bác sĩ tim mạch dự phòng tại Cleveland Clinic, và nhóm nghiên cứu đã theo dõi bệnh nhân theo thời gian và thu thập các mẫu máu để tìm ra các dấu hiệu hóa học có thể dự đoán sự phát triển của bệnh tim.
Kết quả, họ đã phát hiện những người sử dụng quá nhiều niacin đã có mức 4PY cao, điều này góp phần phát triển bệnh tim mạch, theo Medical Express.
Cụ thể, các tác giả nhận thấy lượng niacin dư thừa sẽ phân hủy tạo ra 4PY.
Tiến sĩ Hazen so sánh lượng niacin hấp thụ của cơ thể tương tự như việc mở vòi nước vào thùng. Khi thùng đầy, nước bắt đầu tràn ra. Cơ thể sau đó cần xử lý lượng chất tràn đó và tạo ra các chất chuyển hóa khác, bao gồm cả 4PY.
Điều đáng chú ý là các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn đã chứng minh rằng mức độ cao của 4PY lưu hành trong máu có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của cơn đau tim, đột quỵ và các biến cố tim khác.
Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy 4PY trực tiếp gây ra tình trạng viêm mạch máu, làm tổn thương mạch máu và có thể dẫn đến xơ vữa động mạch theo thời gian.
Tiến sĩ Hazen nói rằng: Phát hiện này tạo tiền đề cho việc phát triển các phương pháp tiếp cận mới nhằm chống lại sự phát triển của bệnh tim.
Tiến sĩ Hazen lưu ý rằng việc sử dụng rộng rãi hơn các chất bổ sung chứa các dạng niacin khác nhau cũng đã trở nên phổ biến vì được cho là có tác dụng chống lão hóa. Ông khuyên mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung và tập trung vào chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, theo Medical Express.