Nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc xử lý theo kiểu “thu sai thì trả lại là xong”, còn là vấn đề trong cách hiểu sai về xã hội hóa giáo dục và quản trị trường học.
CHUYỂN CƠ QUAN ĐIỀU TRA, ÁP DỤNG CHẾ TÀI XỬ LÝ MẠNH
Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết đã tổ chức thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ 2 năm học vừa qua đối với một số sở GD-ĐT và mới đây đã công bố kết luận. Có 8 sở GD-ĐT tổ chức thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc qua đơn thư, báo chí phản ảnh hoặc theo yêu cầu quản lý, trong đó có việc tổ chức các khoản thu chi không đúng quy định.
Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT với một số sở GD-ĐT cho thấy có nhiều vi phạm về thu chi. Ví dụ tại Vĩnh Phúc, Thanh tra Bộ GD-ĐT chỉ ra rằng: Trường THPT Yên Lạc để xảy ra sai phạm trong việc thu tiền ghế ngồi tập trung cho học sinh (HS), tiền học bạ, thu quỹ hội cha mẹ HS; chi phần trăm “hoa hồng” cho giáo viên (GV) chủ nhiệm trong các khoản thu bảo hiểm thân thể, quần áo đồng phục… Còn tại Phòng GD-ĐT H.Lập Thạch, thanh tra chỉ ra đơn vị này ban hành văn bản quy định mức khung đối với các khoản thu trong năm 2022 – 2023 và năm học 2023 – 2024 không đúng thẩm quyền theo luật Giáo dục. Bên cạnh đó, một số phòng GD-ĐT có văn bản giới thiệu một số công ty bảo hiểm liên hệ công tác tại các cơ sở giáo dục trực thuộc đề cập nội dung thu và mức phí cụ thể là 100.000 đồng/HS và 200.000 đồng/GV. Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT, việc này là “không đúng thẩm quyền, không theo nguyên tắc thỏa thuận…”.
Theo nhiều chuyên gia, xã hội hóa trong giáo dục không có nghĩa là giảm vai trò đầu tư, giám sát của Nhà nước
Dù vậy, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng chỉ có thể nêu ra trách nhiệm cá nhân và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Còn việc địa phương có xử lý và xử lý đủ sức răn đe hay không, vẫn là câu chuyện để ngỏ.
Bộ GD-ĐT cho biết riêng đầu năm học này đã có 2 văn bản chỉ đạo, nhắc nhở về thu chi. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục.
Một văn bản ngay trước năm học do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng ký, gửi UBND cấp tỉnh cũng đề nghị chính quyền địa phương: “Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương tăng cường quản lý nhà nước về thực hiện các khoản thu chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện thanh tra, kiểm tra, áp dụng chế tài xử lý mạnh các trường hợp vi phạm quy định về thực hiện các khoản thu chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn”.
Tại Hà Nội, ngoài những quy định chi tiết về các khoản được phép thu, không được phép thu của người học, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương còn khẳng định thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin phản ánh của dư luận, phương tiện thông tin đại chúng về các tiêu cực, sai phạm trong giáo dục để kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý sai phạm… Với các khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện.
“Đặc biệt, hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra “lạm thu” trong trường học”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.
THIẾU QUẢN TRỊ TRƯỜNG HỌC
Có một thực tế là Thông tư 16/TT-BGDĐT ngày 3.8.2018 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ, đóng góp của cộng đồng cho giáo dục có quy định rất rõ ràng về việc lập đề án, duyệt đề án, các bước đóng góp ra sao… Tuy nhiên, để nhanh gọn, dễ làm thì các trường thường để cho ban phụ huynh đứng ra tổ chức thu, thu bình quân theo đầu người và khi xảy ra khiếu nại thì nhà trường lại nói là do ban phụ huynh.
PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN) cho rằng: “Việc để ban phụ huynh thực hiện thu chi không đúng cũng là trách nhiệm của nhà trường, nhà trường không thể đứng ngoài cuộc hoạt động của ban phụ huynh. Chúng ta vẫn đang tư duy là phụ huynh cần chứ không phải nhà trường cần. Trong khi đó, mọi vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục thì phải xuất phát từ việc nhà trường cần và nhà trường phải chịu trách nhiệm về sự cần đó của mình. Làm thế nào để phụ huynh tham gia với tư cách của người ủng hộ và chia sẻ với các hoạt động giáo dục của nhà trường”.
Bà Thơ nhìn nhận, nhiều trường học ở VN cũng làm được rất tốt vai trò của ban phụ huynh và quỹ phụ huynh dựa trên nguyên tắc của sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm. Ở nhiều trường, hiệu trưởng được tập huấn hoặc có sự tìm tòi nên họ làm rất “khéo”, nguyên tắc về sự chia sẻ rất quan trọng.
Đầu năm học nào, phụ huynh cũng bức xúc phản ánh về các khoản thu chi
Trước băn khoăn về việc quy định thì đầy đủ, năm nào cũng có các chỉ đạo, hướng dẫn để “tuyệt đối không xảy ra lạm thu” nhưng năm nào lạm thu cũng lặp lại, PGS Thơ nêu thực tế mà bà đã có dịp nghiên cứu, tìm hiểu khi làm việc với các địa phương. Bà phân tích: “Đầu tư cho trường học ở các địa phương rất khác nhau, có nơi thì chia cho đầu HS, có nơi thì áp dụng chia phần trăm chi lương, chi thường xuyên… Như vậy, ngay định chế kỹ thuật đầu tư ngân sách cho giáo dục ở các địa phương đã rất khác nhau rồi”.
Bởi vậy, theo bà Thơ, để trả lời câu hỏi việc thực hiện các quy định về thu chi hiện hành dễ hay khó cũng cần nhìn nhận cái khó của các địa phương, các nhà trường. Thông tư 16 quy định về pháp lý nhưng có thể những điểm chưa tương thích với định chế kỹ thuật ở địa phương. Như vậy, các trường học ở các địa phương khác nhau đang thực hiện việc phân bổ ngân sách khác nhau thì sẽ cảm thấy có vướng mắc mà không có hướng dẫn kèm theo.
PGS Chu Cẩm Thơ cũng chỉ ra trong trường học hiện nay đang thiếu những vị trí việc làm rất quan trọng, trong đó có vị trí quản trị về cơ sở vật chất. Nếu có vị trí này, chắc chắn việc huy động nguồn lực đóng góp cho nhà trường thế nào, hiểu đúng và đầy đủ về vấn đề này thế nào sẽ giúp vận hành nhà trường tốt hơn.
Nêu những thực tế ấy cộng với nguồn đầu tư từ ngân sách cho giáo dục chưa được tốt, bà Thơ cho rằng, nếu không giải quyết được thì năm nào việc lạm thu cũng sẽ vẫn lặp lại dù văn bản không thiếu. Dù vậy, theo bà Thơ, như thế không có nghĩa là thỏa hiệp với lạm thu.
“Tôi cho rằng cần nhìn nhận đây là vấn đề nghiêm trọng để có giải pháp căn cơ, có hành động để giảm thiểu chứ không phải tiền thu sai thì trả lại là xong”, bà Thơ nói.
Xã hội hóa không có nghĩa chuyển trách nhiệm tài chính lên phụ huynh
Tại một buổi tọa đàm do Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức nhằm nhìn nhận việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT mới đây, nhiều chuyên gia cũng dẫn việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa để nhấn mạnh đề nghị cần nhìn nhận lại xã hội hóa trong giáo dục không có nghĩa là giảm vai trò đầu tư, giám sát của Nhà nước.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng đã đến lúc cần nhận thức đúng, đầy đủ về xã hội hóa. Với 2 lĩnh vực giáo dục và y tế, việc xã hội hóa không đưa lên “hàng tiền đạo” mà chỉ là ở hàng tiền vệ, có sự bảo trợ, hỗ trợ của Nhà nước. Tự chủ trong GD-ĐT không có nghĩa là tự túc, không đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), xã hội hóa trong giáo dục không có nghĩa là chuyển trách nhiệm tài chính lên phụ huynh, mà là tìm kiếm sự phối hợp hợp lý giữa các bên liên quan để cải thiện điều kiện học tập và dạy học. Nhà trường cần có quy định rõ ràng về việc tiếp nhận sự hỗ trợ từ phụ huynh, đảm bảo rằng mọi sự đóng góp đều là tự nguyện trong khuôn khổ luật pháp và không gây áp lực. Đồng thời, nhà trường, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm đảm bảo điều kiện để thầy cô giáo dạy học tốt nhất.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lam-thu-keo-dai-thua-van-ban-nhung-thieu-nghiem-khac-trong-xu-ly-185241003220558551.htm