Thừa tiến sĩ, thiếu việc làm trong lĩnh vực học thuật là tình trạng một số quốc gia như Úc đang phải đối mặt, trong đó có người học xong tiến sĩ phải làm việc chân tay để mưu sinh.
Trong bài viết đóng góp cho dự thảo đổi mới giáo dục Úc trên trên trang The Conversation, nhóm tác giả là nghiên cứu sinh tiến sĩ người Việt gồm Cường Hoàng, chuyên viên nghiên cứu ĐH Victoria; Bình Tạ, giảng viên ĐH Monash; Hằng Khổng, trợ giảng Khoa Giáo dục ĐH Monash; Trang Đặng, trợ giảng Khoa Giáo dục ĐH Monash tổng hợp nhiều số liệu cho thấy, tổng số người ở Úc có bằng tiến sĩ đã tăng từ khoảng 135.000 vào năm 2016 lên khoảng 185.000 vào năm 2021.
Tuy nhiên, số lượng các vị trí việc làm trong lĩnh vực học thuật đã bị thu hẹp. Úc chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về đội ngũ giảng viên từ 54.086 vào năm 2016 xuống còn 46.971 vào năm 2021 do các ĐH cắt giảm chi phí trong đại dịch Covid-19.
Một trong những lý do chính là khoản tài trợ của chính phủ liên bang được rót cho các ĐH dựa vào số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ hoàn tất chương trình. Đối với nghiên cứu sinh người bản địa ở Úc, chương trình tiến sĩ là hoàn toàn miễn phí.
Do đó, các ĐH gây áp lực lên đội ngũ giảng viên, buộc họ phải hướng dẫn, giám sát nhằm đảm bảo các nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sĩ. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá tăng lương, thăng chức.
Các tiến sĩ đi về đâu?
Hiện không có dữ liệu chính thức về số lượng tiến sĩ tiếp tục làm việc trong lĩnh vực học thuật ở Úc. Khoảng 25% tiến sĩ có một số việc làm trong giới học thuật, theo kết quả một cuộc khảo sát quy mô nhỏ năm 2011.
The Conversation ước tính tỷ lệ này không thay đổi nhiều kể từ năm 2021. Úc có khoảng 185.000 người có bằng tiến sĩ, thì con số này cao gấp bốn lần so với số vị trí việc làm trong lĩnh vực học thuật hiện hữu (46.971). Do đó, nhiều tiến sĩ phải chật vật tìm việc làm bên ngoài môi trường học thuật.
Trong cuộc khảo sát năm 2022, tổ chức giáo dục QILT (được Bộ Giáo dục Úc tài trợ) phát hiện 84,7% sinh viên cao học tốt nghiệp chương trình nghiên cứu (bao gồm thạc sĩ nghiên cứu và tiến sĩ) có việc làm toàn thời gian trong vòng 6 tháng sau khi hoàn thành nghiên cứu, còn sinh viên tốt nghiệp ĐH là 78,5%. QILT là tổ chức được Bộ Giáo dục Úc tài trợ, cấp kinh phí để thực hiện khảo sát trên toàn quốc.
Tiến sĩ muốn làm việc ở đâu?
Không phải tất cả nghiên cứu sinh tiến sĩ đều muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực học thuật. Kết quả cuộc khảo sát quốc gia năm 2019 cho thấy 51% nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Úc muốn tìm việc làm trong lĩnh vực công hoặc doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có nhiều sự khác biệt về kỳ vọng tìm việc làm tùy theo lĩnh vực nghiên cứu. Cụ thể, 2/3 nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) hy vọng được làm việc trong nhiều lĩnh vực ngoài học thuật. Trong đó, ngành ngân hàng, kỹ thuật dân dụng, khai thác mỏ, năng lượng và y tế/dược phẩm là những ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, 2/3 nghiên cứu sinh tiến sĩ các ngành khoa học xã hội (bao gồm lịch sử, chính trị, giáo dục, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học và nhân chủng học) muốn làm việc trong lĩnh vực học thuật.
Vì sao tiến sĩ khó tìm việc làm ngoài lĩnh vực học thuật?
Nhóm nghiên cứu sinh tiến sĩ người Việt đã tiến hành cuộc khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu với 23 tiến sĩ đã hoàn thành chương trình từ 5 ĐH ở Úc cách đây 5 năm và kết luận 2 vấn đề chính: “tiến sĩ khó có thể tìm được công việc ổn định trong lĩnh vực học thuật” và “tiến sĩ chưa sẵn sàng cho môi trường làm việc ngoài lĩnh vực học thuật”.
Trong nhóm tham gia cuộc khảo sát, chỉ có 1 tiến sĩ làm việc tại ĐH trong vòng 5 năm sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trong khi đó, 13 người có hợp đồng làm việc có thời hạn và 3 người nhận được tài trợ dạng “hậu tiến sĩ” để tiếp tục thực hiện công trình nghiên cứu. Những người còn lại làm việc trong khối tư nhân hoặc chính phủ.
Một người tham gia khảo sát nói với The Conversation rằng: “Nghiên cứu sinh tiến sĩ phải loại bỏ hoàn toàn quan điểm cho rằng bạn có bằng tiến sĩ sẽ tự động kiếm được việc làm. Thực tế cho thấy rất nhiều tiến sĩ ngoài kia không thể tìm được việc làm hoặc đang làm những công việc mà chúng ta gọi là công việc chân tay để mưu sinh”.
Vấn đề thứ hai là tiến sĩ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường lao động bên ngoài lĩnh vực học thuật như văn hóa làm việc và kỳ vọng của nhà tuyển dụng.
Chẳng hạn, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên có các kỹ năng cần thiết cho công việc hơn là bằng cấp hoặc bài báo, công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành. Vì thế, tiến sĩ muốn “thoát” khỏi lĩnh vực học thuật phải tự đào tạo lại.
“Các nhà tuyển dụng bên ngoài hầu như không chút ấn tượng với bài báo, công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành. Họ chỉ quan tâm những kỹ năng của tôi. Vì vậy, tôi đã tham gia một số khóa học ngắn hạn, tự nâng cấp bản thân rồi mới nộp đơn xin việc”, một tiến sĩ chia sẻ với The Conversation.
Một tiến sĩ khác cho rằng phải giấu bằng tiến sĩ vì lo sợ bị nhà tuyển dụng coi là “đang thừa năng lực so với yêu cầu đưa ra”. Người này nói thêm: “ĐH của tôi cũng không thực sự làm bất cứ điều gì để hỗ trợ tôi tìm kiếm việc làm”.
Đâu là giải pháp cho trình trạng thừa tiến sĩ?
Hiện tại, không có bất kỳ hạn chế nào về số lượng tiến sĩ ở Úc vì ĐH có càng nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ thì tiền tài trợ của chính phủ liên bang càng tăng lên.
Để cân bằng giữa cung và cầu, nhóm nghiên cứu đề xuất chính phủ nên xem xét hạn ngạch tài trợ cho nghiên cứu sinh trong từng lĩnh vực. Điều này giúp chọn ra những ứng viên tiến sĩ phù hợp nhất theo quy định nghiêm ngặt trong nghiên cứu tiến sĩ.
“Chúng ta phải xem xét liệu rằng việc chấp nhận ngày càng nhiều người tham gia chương trình học tập căng thẳng hơn 3 năm để lấy bằng tiến sĩ có mang lại lợi ích thực sự cho nghiên cứu sinh hay chỉ giúp các ĐH nhận thêm nhiều tiền tài trợ từ ngân sách liên bang”, theo nhóm nghiên cứu.