Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, những ngày cao điểm của kỳ nghỉ lễ sắp tới từ 28/4 đến ngày 1/5, hầu hết các khách sạn, kể cả nhóm khách sạn 4-5 sao và homestay đã kín lịch đặt phòng.
Dịp này, du khách đến với Thừa Thiên – Huế sẽ có cơ hội hòa mình vào nhiều sự kiện lễ hội văn hoá, trải nghiệm sản phẩm du lịch mới nhất của vùng đất Cố đô.
Thống kê từ Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy, trong 8 ngày (từ ngày 28/4 đến ngày 5/5) sẽ có khoảng 95.000 lượt khách du lịch đến địa phương. Tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 55.500 lượt (trong đó có khoảng hơn 30.000 khách nội địa), tổng doanh thu ước đạt 155 tỉ đồng, công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch đạt 77%.
Lượng khách đến các điểm du lịch ở Thừa Thiên – Huế trong kỳ nghỉ này đi theo nhóm gia đình, bạn bè cao hơn hẳn so với khách đi theo tour do các đơn vị lữ hành tổ chức. Nguyên nhân là do có đơn vị lữ hành đang tránh tổ chức tour đến các địa phương dịp lễ để tránh quá tải về phòng lưu trú và dịch vụ…
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, đơn vị đã yêu cầu các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ để đón lượng lớn du khách trong dịp này. Các khu, điểm du lịch và khách sạn, nhà hàng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, sẵn sàng phục vụ tuần cao điểm đón khách. Các doanh nghiệp du lịch cũng được yêu cầu cần phải tuân thủ các hướng dẫn về phòng, chống dịch trong tình hình mới theo chỉ đạo của Bộ Y tế, khuyến khích người dân, du khách thực hiện 2K (khử khuẩn + khẩu trang). Đặc biệt, các đơn vị thực hiện nghiêm túc niêm yết giá cả, không để xảy ra tình trạng nâng giá phòng hoặc ép giá du khách. Ngành du lịch cũng phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương thiết lập đường dây nóng, hỗ trợ du khách khi cần thiết.
Trong kỳ nghỉ lễ năm nay, tại thành phố Huế sẽ diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”. Theo Ban tổ chức, lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật sẽ diễn ra tối 28/4. Trong khuôn khổ Fesstival sẽ có các hoạt động hấp dẫn như: Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; Lễ hội ẩm thực chủ đề “Tinh hoa nghề Bún”; Lễ hội quảng diễn đường phố; Lễ hội tri ân dòng Hương; Lễ tế tổ bách nghệ – lễ rước tôn vinh nghề; chương trình nghệ thuật “Giai điệu trẻ”… Không gian chính của Festival nghề truyền thống Huế 2023 là hai bờ sông Hương, kết nối với các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm thành phố.
Festival nghề truyền thống Huế năm nay có sự tham gia của khoảng 400 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, “bàn tay vàng” đến từ 69 làng nghề, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước. Ngoài ra, tại Festival còn có 37 nghệ nhân đến từ 6 thành phố của Hàn Quốc và Nhật Bản có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với thành phố Huế; các đoàn biểu diễn nghệ thuật cà kheo (Bỉ), nhạc cụ truyền thống, biểu diễn K-Pop, biểu diễn võ thuật nhảy đương đại Taekwondo, trình diễn trang phục truyền thống và hát diễn xướng (Hàn Quốc).
Du khách đến với Festival nghề truyền thống Huế 2023 sẽ được tìm hiểu nhiều nhóm nghề như: Dệt; nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; làm bánh Tét, bánh Chưng, mè xửng; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ, nghề làm diều; nghề pháp lam; nghề làm đầu lân; nghề đúc đồng; nghề làm lồng đèn; nghè rèn; nghề truyền thống bánh bèo, nậm, lọc; nghề áo dài, phấn nụ…
Ngoài ra, du khách cũng sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều sản phẩm dịch vụ mới như: Thưởng trà và dạ yến trong Hoàng cung Huế, tour du thuyền cao cấp trên sông Hương, tour trải nghiệm Cố đô Huế trên xe buýt 2 tầng, hoạt động văn hóa và ẩm thực ở nhiều tuyến phố đi bộ của thành phố Huế; các sản phẩm du lịch suối thác ở huyện Phú Lộc, Nam Đông…