Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại Chỉ thị số 7 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước, ban hành ngày 22/2.
Công điện nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn bộc lộc một số hạn chế.
Một số doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra, còn có doanh nghiệp Nhà nước hoạt động thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế.
Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt trong nền kinh tế. Cần bảo đảm doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế.
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), phấn đấu đưa vào khai thác trong tháng 6/2024.
“EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và đơn vị trực thuộc triển khai kịp thời, hiệu quả quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) theo quy định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân“, công điện nêu rõ.
EVN, PVN cũng được Thủ tướng quán triệt, cần chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc phát sinh trong phát triển các dự án nhiệt điện khí, vừa góp phần thúc đầy tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện khí và các dự án khai thác khí.
Lãnh đạo Chính phủ giao Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng các doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tăng khả năng dự báo diễn biến giá thị trường thế giới, chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế và giảm thiểu bất lợi do biến động về giá xăng dầu thế giới.
Về phía Viettel, VNPT, Mobifone, Tổng công ty công nghệ – viễn thông toàn cầu (GTEL)… Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số.
Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý các Tập đoàn này đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi (chip bán dẫn…).
Với các doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện đầu tư, thi công kết cấu hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn trong triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.
Các công trình được Thủ tướng nhắc đến như tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, các đường cao tốc trục Đông Tây, các trục cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng phấn đấu hoàn thành trên 3000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 và trên 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Chính phủ, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án: Vành đai 4 vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn…
Thủ tướng giao các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; góp phần triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ.
“Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục rà soát, đơn giản thủ tục cho vay, giải ngân, đúng quy định, tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, bảo đảm chi phí lãi vay hợp lý nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế“, Thủ tướng yêu cầu.
Với các Bộ, ngành, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai bảo đảm tiến độ, chất lượng. Qua đó sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế – xã hội và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.