Đồng bằng sông Cửu Long được ưu tiên bố trí vốn đầu tư các tuyến cao tốc, trong đó chú trọng dự án đường sắt tốc độ cao TP HCM – Cần Thơ, theo lãnh đạo Chính phủ.
Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra ở buổi tiếp xúc cử tri là công nhân, lao động, doanh nghiệp tại TP Cần Thơ, ngày 14/5.
Đường sắt tốc độ cao nối Đông Nam Bộ với thủ phủ miền Tây được quy hoạch 10 năm trước, dài 174 km, đi qua Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điểm đầu tuyến ở ga An Bình (TP Dĩ An, Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng). Dự án được nghiên cứu với tổng đầu tư 9 tỷ USD, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h. Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh thành mà tuyến đi qua khởi động trở lại dự án.
Thủ tướng cho biết sau khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện, Chính phủ đã đàm phán với các đối tác, ưu tiên triển khai dự án trên. Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long còn có hai tuyến đường cao tốc chính được đẩy nhanh triển khai gồm: TP HCM – Cà Mau (một số đoạn được khởi công vào tháng 6) và cao tốc trục Đông – Tây từ Sóc Trăng qua Cần Thơ, Hậu Giang đến An Giang.
Theo lãnh đạo Chính phủ, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược được đẩy mạnh thực hiện, bên cạnh hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông, gấp 3-4 lần nhiệm kỳ trước. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được ưu tiên để thực hiện dự án giao thông trọng điểm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng thông tin với cử tri Cần Thơ về 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đang được triển khai và tiếp tục đẩy mạnh thời gian tới. Đó là tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; khắc phục hậu quả do Covid-19; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân…
“Cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, chính sách tài khoá mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm”, ông lưu ý và cho biết sẽ giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn giúp dẫn dắt đầu tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; có cơ chế, chính sách tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu tinh gọn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín. Chính sách đưa ra cần động viên, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần thực hiện nghiêm minh; không hình sự các quan hệ kinh tế, khuyến khích và bảo vệ những người làm đúng.
An Bình