Đồng NaiThủ tướng cho biết sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, không theo kịp nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, làm giảm tính cạnh tranh của địa phương và quốc gia.
Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại lễ khởi công Nhà ga hành khách sân bay Long Thành và Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất chiều 31/8 tại Đồng Nai.
Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện nhiều sân bay đã quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất. Dù được đầu tư nâng cấp nhưng sân bay này không theo kịp sự phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện là một trong ba cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất cả nước, cùng với Nội Bài và Đà Nẵng. Sản lượng hành khách quốc nội qua nhà ga T1 của sân bay hiện đạt 26 triệu hành khách một năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế.
“Dự kiến sang năm 2024, sân bay sẽ quá tải hơn hai lần, nhiều hạng mục đầu tư qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, lạc hậu, ùn ứ, ảnh hưởng chất lượng phục vụ, giảm tính cạnh tranh của địa phương và quốc gia”, ông Chính nói và cho biết chiều nay Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng bị ảnh hưởng vì tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, phải bay vòng ra Nha Trang.
Thủ tướng cho biết việc khởi công hai nhà ga sân bay Long Thành và T3 Tân Sơn Nhất có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng hàng không quốc gia. Hai dự án sau khi hoàn thành góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Tổng công ty hàng không Việt Nam (chủ đầu tư dự án) không để xảy ra tình trạng đội vốn bất hợp lý với các dự án, chia nhỏ các gói thầu; đảm bảo chất lượng, kỹ thuật công trình và đời sống nhân viên tham gia dự án. “Các đơn vị liên quan cần hợp tác, phối hợp hài hòa, vượt qua khó khăn thử thách để sớm hoàn thành tiến độ đề ra”, Thủ tướng cho biết.
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành có tổng vốn 35.000 tỷ đồng do Liên danh Vietur gồm 10 thành viên xây dựng. Dự án được thiết kế với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt ở các hạng mục như: mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục… Điểm nhấn kiến trúc là ô lấy sáng và ô thông tầng trung tâm nhà ga – nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn.
Còn nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất gồm các hạng mục: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn phía trước cũng được khởi công. Công trình có tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng, khai thác từ quý 2/2025.
Ngoài ra, hạng mục đường cất hạ cánh dài 4.000 m, rộng 45 m, các đường lăn và một số công trình phụ trợ khác tại sân bay Long Thành cũng được khởi công dịp này với tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng.
Sân bay Long Thành công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn một đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Phước Tuấn