Ngày 13/11/2023 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1339/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên quan điểm phát triển. Trên quan điểm phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của cả nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện.
Phát triển kinh tế – xã hội nhanh, theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa, hiệu quả nội lực của Tỉnh, sự hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực khác; phát triển dựa trên 04 trụ cột phát triển: Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch bản sắc với đa dạng các loại hình dịch vụ có chất lượng cao; chuỗi nông sản, đặc sản có thương hiệu, giá trị cao; kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới. Chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập quốc tế; tận dụng cơ hội và thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra đột phá, lợi thế phát triển và khắc phục các hạn chế về địa hình thiên nhiên.
Phát triển xã hội hợp tác, thân thiện, văn minh và hài hòa; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; nâng cao sinh kế và bảo đảm an sinh xã hội; tạo việc làm ổn định để giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; chú trọng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; coi trọng đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch nhằm phát huy, khai thác có hiệu quả liên kết phát triển vùng, phát huy thế mạnh, nội lực và tạo sự liên kết giữa các địa bàn/phân vùng trong nội tỉnh.
Phụ nữ Lô Lô ở làng Lô Lô Chải, xã Lũng cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) – Ảnh Nguyễn Sơn Tùng
Tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, và bản sắc; nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại và đồng bộ trên cơ sở tận dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện hữu, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số và hạ tầng cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới. Với các khâu đột phá như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển kinh tế nông nghiệp đặc trưng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển kinh tế nông nghiệp đặc trưng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động phục vụ nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực của Tỉnh; thu hút và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm nhân lực chất lượng cao. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính phủ số – Kinh tế số – Xã hội số để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh; tạo động lực thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.
Công Đảo