Chỉ thị nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Những diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường sẽ gây áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là những tháng đầu năm 2024.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế – xã hội, nhất là đối với các công việc bị tồn đọng do nghỉ tết.
Riêng đối với ngành du lịch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu đề xuất chính sách mở rộng miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp với tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương.
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm khẩn trương tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 nước thời gian qua. Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam.
Cùng với đó, tư lệnh ngành du lịch là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân. Yêu cầu các cơ sở lưu trú, kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch tuyên truyền, vận động du khách thực hiện nghiêm “đã uống rượu, bia không lái xe”. Song song, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 2 này việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch; trong đó bổ sung các cơ quan thành viên có nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với phát triển du lịch.
Tổng kết 2023, du lịch Việt Nam vượt xa mục tiêu về đón khách du lịch đặt ra từ đầu năm, đặc biệt là khách quốc tế đạt 12,6 triệu lượt, cao gấp gần 3,5 lần năm 2022. Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón khoảng 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng.
Thị trường du lịch quốc tế năm 2024 được đánh giá có nhiều tín hiệu lạc quan, xán lạn hơn so với năm 2023. Trong đó, Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững sẽ tiếp tục là cú hích cho du lịch Việt Nam tăng cường thu hút du khách quốc tế. Đồng thời, hình ảnh du lịch Việt Nam tiếp tục được quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng để thật sự bứt phá trong năm tới, Việt Nam cần tiếp tục nới lỏng chính sách visa để tạo lợi thế cạnh tranh xứng tầm với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam nên mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như: Úc, Canada, Mỹ. Các nước còn lại thuộc Liên minh châu Âu (Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ…), cùng một số nước khu vực Trung Đông như Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út, Kuwait… Đồng thời, thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan… nhằm kích cầu du lịch, tạo đà phục hồi tăng trưởng, phát triển mạnh cho các thị trường lớn này.