Ra sân bay đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai; các cán bộ Đại sứ quán, phái đoàn Việt Nam tại Geneva và kiều bào Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Dự kiến trong chuyến công tác này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì, tham dự và phát biểu tại các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2024 như: Tọa đàm về hợp tác phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và ô tô; Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF; Đối thoại chính sách “Việt Nam – Định hướng tầm nhìn toàn cầu”; Tọa đàm về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam; phiên thảo luận “Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN”.
Trong ngày hôm nay, dự kiến ông sẽ có tới 12 hoạt động tại WEF, trong đó quan trọng nhất là chủ trì phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng sẽ gặp Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp WEF.
Với lịch trình dày đặc trong hai ngày ở Davos và những tọa đàm, đối thoại chiến lược cùng các cuộc gặp các cấp, sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Việt Nam không chỉ quan tâm đến những vấn đề phát triển quốc gia mà còn mong muốn đóng góp tiếng nói, giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Đó là cách tiếp cận theo hướng vừa nắm bắt các xu thế lớn và cục diện, chiều hướng vận động của tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới vừa đóng góp các ý tưởng cho những vấn đề toàn cầu và khu vực gắn với thúc đẩy các lợi ích an ninh, phát triển của Việt Nam. Bởi lẽ trong thế giới hiện nay khó có một quốc gia nào có thể đứng riêng lẻ, một mình phát triển hay giải quyết các thách thức mà không tính đến những vấn đề khó khăn của nước khác cũng như vai trò, tiếng nói của họ.