(Dân trí) – Ngay sau khi kết thúc chuyến công tác Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Việt Nam sang Mỹ để tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: Đoàn Bắc).
Chiều 17/9, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời sân bay Nội Bài để sang Mỹ, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng dự kiến có những cuộc tiếp xúc song phương, gặp gỡ và hội kiến với lãnh đạo chính quyền, Quốc hội Mỹ, tham dự một số hoạt động liên quan đến kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tiễn Thủ tướng lên đường dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: Đoàn Bắc).
Quan hệ Việt – Mỹ thời gian qua đã có những bước phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực song phương, khu vực và quốc tế. Hai bên vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, ngày 10-11/9.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm cụ thể hóa các kết quả của chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Phó Đại sứ Hoa Kỳ Melissa Anne Bishop; Tham tán Kinh tế Lynne B. Gadkowski, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tiễn Thủ tướng lên đường dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: Đoàn Bắc).
Về hoạt động của Liên Hợp Quốc, tổ chức hiện có 193 quốc gia thành viên. Liên hợp quốc là cơ chế để quốc gia thành viên thúc đẩy những điểm tương đồng, cùng nhau giải quyết các vấn đề và đưa ra quyết sách chung với những vấn đề toàn cầu như hòa bình và an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…
Đại hội đồng là cơ quan thảo luận và hoạch định chính sách mang tính đại diện bao trùm nhất của Liên Hợp Quốc, gồm tất cả 193 quốc gia thành viên đều bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quốc gia thành viên đều được một phiếu bầu.
Vào tháng 9 hàng năm, nguyên thủ và lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tụ họp tại trụ sở của tổ chức ở New York (Mỹ), để bắt đầu Phiên thảo luận chung của khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc vào tháng 9/1977. Hơn 40 năm qua, mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên Hợp Quốc đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước.
Mối quan hệ này cũng thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc, tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên Hợp Quốc về hợp tác phát triển, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên Hợp Quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên Hợp Quốc ở cấp độ quốc gia.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và ghi được nhiều “dấu ấn” Việt Nam tại các cơ quan như tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Hội đồng Kinh tế – xã hội (ECOSOC).
Sau khi hoàn thành các sự kiện đối ngoại tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Brazil, hội đàm với Tổng thống Lula da Silva, gặp lãnh đạo Quốc hội Brazil và có một số hoạt động quan trọng khác.
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã tiếp nhận viện trợ hơn 61,7 triệu liều vaccine thông qua Chương trình COVAX và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức Liên Hợp Quốc.
Việt Nam cũng đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của Liên Hợp Quốc, 1 triệu USD cho COVAX và đang chuẩn bị đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX.
Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine, Việt Nam cũng đã đóng góp 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine.