*Tới động viên công nhân, người lao động tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), thăm người dân đang làm việc trên cánh đồng dứa thuộc vùng nguyên liệu của công ty, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu của Công ty – nơi từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm.
Được thành lập từ năm 1955 (Nông trường quốc doanh Đồng Giao), trải qua chặng đường 68 năm xây dựng và phát triển, DOVECO ngày càng khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường và là một trong những đơn vị chế biến rau quả hàng đầu cả nước.
Công ty có 3 nhà máy tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La, có công suất 136.000 tấn hoa quả mỗi năm với hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu từ các nước G7.
Công ty đã hình thành 4 vùng nguyên liệu chính tại Ninh Bình (hơn 3.500 ha đất trồng dứa), vùng nguyên liệu tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ với tổng diện tích 4.500 ha, vùng nguyên liệu tại Tây Bắc (8.500 ha), vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên (8.500 ha).
Công ty đã áp dụng thành công công nghệ hữu cơ, công nghệ cao như sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, màng phủ nilon, bón phân hữu cơ và phân vi sinh; rau quả sản xuất ra đáp ứng yêu cầu cao của các nước phát triển ngay từ khi còn ở trên đồng ruộng. Các sản phẩm của Doveco đã được công nhận bởi các tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2023, doanh thu của Công ty đạt 3.000 tỷ đồng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chiếm 80%, thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU (63%), Trung Quốc (15%), Nhật Bản (13%), Mỹ (5%)…
Công ty giải quyết việc làm cho trên 31.000 lao động với mức lương trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng, chỉ trả cổ tức cho các cổ đông khoảng 14,5%/năm.
Ngoài phát triển kinh doanh, Công ty quan tâm chăm lo cho đời sống người lao động và tích cực tham gia vào các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên giải quyết việc làm cho đối tượng là người lao động dân tộc thiểu số. Năm 2023, Công ty đã ủng hộ 6 tỷ đồng cho hoạt động xóa đói, giảm nghèo tại Ninh Bình, Sơn La và Gia Lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng khi Công ty phát triển nhanh, bền vững, là mô hình chuyển đổi thành công từ nông trường quốc doanh sang công ty cổ phần với cách làm phù hợp, khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng đắn.
Qua đó, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, trong đó có nông dân với thu nhập tương đương trong lĩnh vực công nghiệp; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội; tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; góp phần xanh hóa khu vực.
Thủ tướng đề nghị Công ty tiếp nối và phát huy truyền thống để ngày càng phát triển, trong đó chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là thương hiệu dứa Đồng Giao; xây dựng vùng nguyên liệu với các cánh đồng mẫu lớn; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, giảm phát thải, phát triển thương mại điện tử, phát triển các loại giống tốt, xây dựng chỉ dẫn địa lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, địa phương khác, làm việc với ngân hàng để huy động nguồn vốn; mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng thu nhập cho người dân, người lao động, quan tâm hơn các thiết chế văn hóa – thể thao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, người lao động.
Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, tinh thần là “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông và tuyến đường Đông – Tây tỉnh Ninh Bình khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện rất tốt cho Công ty phát triển.
Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động nhà máy cần tiếp tục phát huy trách nhiệm để tạo khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới, thắng lợi mới, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
*Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình thi công và thăm hỏi, động viên công nhân, người lao động trên công trường tuyến đường Đông -Tây tỉnh Ninh Bình.
Tuyến đường do tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, có chiều dài khoảng 60 km, đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực phía tây với cực phía đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn.
Đây là dự án giao thông kết nối liên vùng lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Ninh Bình, có ý nghĩa quan trọng, kết nối giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh và khu cực; kết nối miền núi với ven biển; kết nối các trung tâm kinh tế với Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vùng rừng núi Cúc Phương và ven biển Kim Sơn đầy tiềm năng; mở ra không gian, tạo dư địa và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình.
Giai đoạn 1 dài 23 km, tổng mức đầu tư là hơn 1.913 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 500 tỷ đồng; ngân sách tỉnh Ninh Bình hơn 1.413 tỷ đồng. Tổng diện tích đất thực hiện dự án gần 190 ha, số hộ bị ảnh hưởng là 991 hộ (trong đó có 136 hộ phải thực hiện bố trí tái định cư).
Đây là dự án nhóm A, tiến độ thực hiện 2022-2026, cũng là công trình hưởng ứng phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động.
Với quyết tâm và nỗ lực của tỉnh Ninh Bình và nhà thầu (liên danh xây dựng Xuân Trường – Thành Trung), đến nay dự án đã hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành cơ bản các hạng mục chính của dự án và thông tuyến; phấn đấu hết năm 2024 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến, rút ngắn tiến độ thi công khoảng 2 năm so với tiến độ dự án nhóm A.
Khảo sát thực địa và tặng quà các đơn vị thi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn và vệ sinh môi trường; phòng chống tiêu cực, tham nhũng; chăm lo đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, bảo đảm người dân trong vùng dự án di dời đến nơi ở mới có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Bình, các cơ quan liên quan nghiên cứu hướng tuyến toàn dự án ngắn nhất, thẳng nhất có thể, tránh đi vòng vèo, nếu đi qua Thanh Hóa thì Thanh Hóa cùng tham gia đầu tư xây dựng, từ đó tăng tính kết nối các địa phương, khai thác tuyến đường hiệu quả hơn.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các bộ, ngành, tỉnh Ninh Bình và các địa phương trong khu vực tiếp tục nghiên cứu, kết nối đồng bộ tuyến đường Đông – Tây của Ninh Bình với các trục giao thông quan trọng của quốc gia và khu vực, nhất là đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông, cao tốc ven biển Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, đường Hồ Chí Minh, tăng cường kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ…
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-khao-sat-mot-so-co-so-cong-trinh-trong-diem-tai-ninh-binh-374758.html