* Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công viên Tưởng niệm hòa bình Hiroshima và tàu vận chuyển hydro hóa lỏng đầu tiên trên thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Ảnh: DƯƠNG GIANG – TTXVN
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, chiều 21-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), chính quyền tỉnh Hiroshima tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao thành tựu kinh tế – xã hội của Việt Nam – nước phát triển năng động nhất Đông Nam Á; có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; luôn lắng nghe tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; có nguồn lao động dồi dào và trẻ, trình độ ngày càng được nâng cao. Việt Nam và Nhật Bản gần gũi về văn hóa, lịch sử.
Các doanh nghiệp Nhật Bản xác định Việt Nam là địa chỉ đầu tư hàng đầu; mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trên các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, logistics, bất động sản, công nghệ thông tin, sản xuất ô tô điện, tài chính – ngân hàng, thiết bị tự động hóa, may mặc, bán lẻ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản chiều 21-5. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự chia sẻ, đồng hành, quyết tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức; đồng hành cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19 để ổn định, phát triển, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Hiện Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Thủ tướng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản về đơn giản hóa thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, có chính sách ưu đãi đối với một số lĩnh vực kinh tế ưu tiên, nới lỏng chính sách cấp giấy phép lao động…, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tri thức…; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, vốn, quản trị, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế… để thực hiện mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Trước đó vào buổi sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Trưởng đoàn các nước khách mời, người đứng đầu các tổ chức quốc tế đến thăm và đặt hoa tại Công viên Tưởng niệm hòa bình Hiroshima; thăm cảng Itsukaichi và tàu “Suiso Frontier”- tàu vận chuyển hydro lỏng đầu tiên trên thế giới. Đây là một phần trong chương trình Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Hiroshima.
Tại Công viên Tưởng niệm hòa bình Hiroshima, Trưởng đoàn các nước khách mời, người đứng đầu các tổ chức quốc tế được nghe giới thiệu về vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima làm 140.000 người thiệt mạng, trong đó nhiều nạn nhân là trẻ em. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mời Trưởng đoàn các nước khách mời, người đứng đầu các tổ chức quốc tế thăm Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình. Tại đây, các khách mời được xem mô hình điện tử thành phố Hiroshima trước khi bị ném bom và sau khi bị bom phá hủy; xem một số bức tranh về thành phố bị tàn phá cũng như những hiện vật còn sót lại sau vụ ném bom. Sau khi tham quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã cùng các lãnh đạo đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân và ký sổ lưu niệm.
Với việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay tại thành phố Hiroshima, Chính phủ Nhật Bản muốn khẳng định mục tiêu chính trị về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Cũng trong sáng 21-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Trưởng đoàn các nước khách mời, người đứng đầu các tổ chức quốc tế đã đến thăm cảng Itsukaichi và tàu “Suiso Frontier”- tàu vận chuyển hydro lỏng đầu tiên trên thế giới.
Trên tàu “Suiso Frontier”, hydro bị hóa lỏng ở nhiệt độ cực thấp (âm 253 độ C), thể tích giảm xuống còn 1/1800. Đây là một bước tiến trong nỗ lực hình thành thị trường hydro trên quy mô toàn cầu. Để hình thành thị trường này, cần phải có một công nghệ cho phép vận chuyển hydro lớn từ các nước sản xuất hydro đến các quốc gia có nhu cầu năng lượng cao.
Tại cuộc họp Bộ trưởng G7 về năng lượng mới đây, hydro đã trở thành nội dung lớn trong chương trình nghị sự và các bộ trưởng đã đồng ý với đề xuất tăng tốc chuyển đổi của Hiệp hội Hydro. Năm 2017, Nhật Bản đã đưa ra một chiến lược hydro cơ bản và dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực hydro.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sau 3 ngày làm việc tại Hiroshima.
Phát biểu tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị chiều 21-5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh G7 là điểm khởi đầu cho các nỗ lực hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai, khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố một trật tự quốc tế dựa trên quy định và thúc đẩy hợp tác với các nước Nam bán cầu để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu. Thủ tướng Kishida khẳng định với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm G7 trong năm 2023, Nhật Bản sẽ dẫn dắt những nỗ lực của G7 để đạt các mục tiêu được đề ra tại hội nghị thượng đỉnh Hiroshima.
Trước đó, thông cáo chung của các nhà lãnh đạo G7 công bố ngày đã đề cập những nội dung đáng chú ý như các nỗ lực để tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân; phản đối các hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng; kêu gọi chấm dứt xung đột Ukraine… Các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết khởi động cơ chế tăng cường ngăn chặn các hành vi cưỡng ép kinh tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi để cùng đối phó các vấn đề mang tính toàn cầu; phối hợp để đẩy nhanh tiến trình chuyển giao sang năng lượng sạch và thúc đẩy tăng cường quyền con người, bình đẳng giới trên toàn cầu…
Trong 3 ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 đã có 10 phiên họp về các chủ đề và 3 phiên họp G7 mở rộng với lãnh đạo của 8 quốc gia được mời gồm Việt Nam, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Quần đảo Cook và Comoros. Ngoài ra, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 còn có hàng loạt cuộc hội đàm cấp cao song phương và đa phương, trong đó có hội đàm thượng đỉnh Bộ Tứ và hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc.
|