Ngày 30-8, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và cắt băng khánh thành dự án.
Cùng dự có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng nằm song song sát với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, nối quận Hai Bà Trưng với quận Long Biên; dài 3,5 km, rộng 19,25 m với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sau 2,5 năm thi công, vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được phân làm 4 làn, trong đó ba làn dành cho xe cơ giới với tốc độ tối đa 60km/h và một làn hỗn hợp xe máy và xe thô sơ tốc độ tối đa 40km/h. Xe cơ giới và xe hỗn hợp được phân làn bằng dải phân cách cứng và hệ thống biển báo hướng.
Sau khi đi vào khai thác, trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, người và phương tiện tham gia giao thông đi một chiều theo hướng từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên; trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, người và phương tiện sẽ đi theo chiều ngược lại.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 thường xuyên ùn tắc, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Theo UBND thành phố Hà Nội, trong quá trình triển khai dự án đã gặp rất nhiều khó khăn như điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông đi lại của giao thông đường thủy và đường bộ; thi công trong mùa lũ, ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến động giá vật liệu xây dựng…
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố, sự nỗ lực quyết tâm của Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công, đến nay, công trình đã hoàn thành bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của Thành phố Hà Nội, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành không gian phát triển mới, chuỗi các đô thị phía bắc Thủ đô.
Dự án hoàn thành góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố; giải quyết áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự quyết tâm, nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, thách thức của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Hà Nội, ban quản lý dự án và các nhà thầu, cán bộ, công chức, người lao động tham gia xây dựng công trình. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương việc thi công công trình vượt tiến độ khoảng 4 tháng, không đội vốn và có thể sẽ tiết kiệm được vốn sau khi quyết toán.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả cây cầu. Các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay chăm lo bảo dưỡng, bảo vệ các hạng mục công trình, bảo đảm công trình được khai thác hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Dương Giang |
Thủ tướng nêu rõ, từ kết quả và ý nghĩa của công trình này càng củng cố thêm cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng.
Bên cạnh đó là bài học kinh nghiệm về việc Trung ương mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, đồng thời, phải thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong triển khai các dự án.
Cùng với đó, cần chuẩn bị kỹ các khâu trong quá trình triển khai dự án; kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Các địa phương phải phát huy nội lực, tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng dưới sự lãnh đạo của Đảng với sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, sự vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, phối hợp với các địa phương tiếp tục thúc đẩy dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; chuẩn bị khởi công cầu Hồng Hà, Mễ Sở. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với thành phố Hà Nội và các địa phương chuẩn bị xây dựng các công trình bảo đảm tiến độ, kỹ, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã cắt băng khánh thành dự án, chính thức đưa cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào khai thác.
Đại diện liên danh nhà thầu thi công, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) cho biết, quá trình thực hiện dự án, liên danh VINACONEX – Trung Chính đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, tập trung nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết khi thuận lợi để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; áp dụng các giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động đồng bộ nhiều chủng loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất cùng hàng trăm cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đảm bảo yêu cầu thi công “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm.
Những nỗ lực đó đã góp phần đưa dự án hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch và giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối. Qua đó, khẳng định năng lực và sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn của các kỹ sư, công nhân tham gia dự án; đồng thời đem lại những bài học kinh nghiệm mang tính đột phá cho các các nhà thầu. |
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.