Sáng 24/3, tại TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư của tỉnh Tiền Giang.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tiền Giang cho biết, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ động lực mới quan trọng để phát triển kinh tế xã hội Tiền Giang thời gian tới. Trong đó, các định hướng, ưu tiên phát triển là: Một dải, hai tâm, ba khâu đột phá phát triển, bốn hành lang kinh tế.
Cụ thể, một dải ven sông Tiền để chủ yếu phát triển du lịch; hai tâm đó là trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông – Tân Phú Đông và vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước; ba khâu đột phá phát triển: Hạ tầng, cải cách hành chính – cải thiện môi trường đầu tư và nguồn nhân lực; bốn hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, hành lang kinh tế dọc theo Quốc lộ 1, hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và Quốc lộ 50, hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị – công nghiệp với vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, công tác quy hoạch không cầu toàn, không nóng vội; việc gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì đưa vào quy hoạch. Đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch rồi thì phải thực hiện cho tốt, bám sát quy hoạch; đồng thời luôn đặt con người, sự vật trong sự vận động, phát triển, điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết. Việc huy động nguồn lực của tỉnh phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang mục tiêu để người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, năm sau tốt hơn năm trước.
Thủ tướng cũng chỉ rõ “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh” trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang. Nhiệm vụ trọng tâm, trung tâm là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Hai tăng cường là tăng cường phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế qua hệ thống giao thông, sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
Ba đẩy mạnh là đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội…); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ chế biến nông sản, các ngành phục vụ nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.