Chiều 25/9, tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 5 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên Đối thoại chính sách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên Đối thoại chính sách. (Ảnh: Nguyễn Văn Bình) |
Tham dự Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh/thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế có Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương (Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước), lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo một số tỉnh/thành Việt Nam và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Chuyển đổi công nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Cần sự đồng hành của Chính phủ
Phát biểu tại đối thoại, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan bày tỏ vui mừng khi HEF 2024 nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên đối thoại chính sách.
Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như tầm quan trọng và giá trị thực tiễn của HEF với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh.”
Ông Võ Văn Hoan cho rằng, sự phát triển công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội. CMCN 4.0 cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các nước, nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Việt Nam; nhờ vào chuyển đổi kinh tế số chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách phát triển để bứt phá đi lên. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng này cũng tạo ra nhiều thách thức.
Về kinh tế Thành phố, trong 5 năm gần đây, nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách và của cả nước.
Trong sự phát triển kinh tế của Thành phố, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao. Giai đoạn từ 2016 đến nay, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc dựa trên 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí; điện tử – công nghệ thông tin; hóa dược – cao su nhựa và chế biến lương thực – thực phẩm.
“Đây là những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành kinh tế khác”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Toàn cảnh phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh/thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế. |
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Võ Văn Hoan nhận thấy, công nghiệp Thành phố đang đứng trước những thách thức như: Phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của Thành phố.
Để khắc phục các hạn chế nêu trên; Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc chuyển đổi ngành công nghiệp Thành phố là hết sức cấp bách và cần thiết”.
Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh thông tin, công nghiệp Thành phố phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chíp điện tử, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số (gồm thông tin và truyền thông), dịch vụ tài chính…
Đặc biệt, phải hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, điện ảnh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đối thoại với các doanh nghiệp, địa phương. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Song song với đó, chuyển đổi công nghiệp Thành phố phải gắn kết chặt chẽ với các tỉnh/thành trong vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Để chuyển đổi công nghiệp Thành phố thành công, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, bên cạnh nỗ lực các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương.
Trước hết là xây dựng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, khả thi của Trung ương và Thành phố theo thẩm quyền; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường và tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới.
Ông Võ Văn Hoan nói thêm, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã mở ra cơ hội lớn cho Thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn và bất cập.
Vì vậy, phiên đối thoại chính sách tại HEF 2024 là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền Thành phố lắng nghe, tìm kiếm giải pháp để xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước.
“Thành phố luôn nhận thức rằng, sự thành công của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình chuyển công nghiệp nói chung và sản xuất kinh doanh nói riêng, chính là sự thành công của Thành phố, góp phần tiếp thêm động lực cho Thành phố phát triển mạnh mẽ theo tinh thần ‘TP. Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP. Hồ Chí Minh’, vì sự thịnh vượng chung của đất nước”, ông Võ Văn Hoan nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, sau HEF 2024, mỗi người ra về đều có thêm ‘phần quà’. Ngoài tình cảm nồng hậu, ấm cúng của đơn vị tổ chức, ‘phần quà’ đó là kiến thức mà Diễn đàn mang lại. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui, tự hào về TP. Hồ Chí Minh
Tiếp theo, TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 điều phối phiên đối thoại.
Phát biểu mở đầu phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui, tự hào về TP. Hồ Chí Minh khi HEF đã được tổ chức lần thứ 5, quy mô ngày càng lớn hơn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè, đối tác quốc tế.
Chủ đề của Diễn đàn năm nay là về chuyển đổi công nghiệp. Đây là chủ đề rất rộng và cũng là tiềm năng khác biệt, cơ hội nội trội, lợi thế cạnh tranh của TP. Hồ Chí Minh; là chủ đề mang tính thời sự của quốc tế.
Do đó, Thủ tướng nhận định: “Diễn đàn rất có ý nghĩa với TP. Hồ Chí Minh, với Việt Nam và với cả bạn bè, đối tác quốc tế. Đây là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau; tiến tới hợp tác, cùng chia sẻ, lắng nghe, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.
Tôi tin chắc sau HEF 2024, mỗi người ra về đều có thêm ‘phần quà’. Ngoài tình cảm nồng hậu, ấm cúng của đơn vị tổ chức, ‘phần quà’ đó là kiến thức mà Diễn đàn mang lại. Từ sáng đến giờ, tôi cũng đã nhận được rất nhiều từ Diễn đàn”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại đối thoại chính sách với địa phương, doanh nghiệp. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần đi song hành với nhau
Tại đối thoại, trả lời câu hỏi Chính phủ đã, đang và sẽ làm những chính sách ưu tiên gì để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trước hết là đối với ngành công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin, về chính sách tổng thể, đất nước đã có những cấp độ văn bản khác nhau đối với chuyển đổi nền kinh tế nói chung ở khái niệm rộng và chuyển đổi công nghiệp nói riêng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về đổi mới, sáng tạo.
Hiện nay, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể trong chiến lược 10 năm đã được Đại hội Đảng XIII thông qua; đã vạch rõ đường lối, chủ trương, quyết sách liên quan đến chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gắn với các mục tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng hiệu quả nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ở góc độ triển khai cụ thể cũng đã có những văn kiện doanh nghiệp có thể tham khảo, đơn cử các kế hoạch 5 năm và hàng năm, đã vạch ra các bước đi cụ thể trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh tới 3 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi nền kinh tế gồm: Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; Cơ cấu lại đầu tư công.
Về vấn đề thúc đẩy chuyển đổi với ngành công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới hai quá trình chuyển đổi (chuyển đổi kép) đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần đi song hành với nhau.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định quan trọng là: Phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip.
“Đây là 2 quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”, Thứ trưởng Phương nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bổ sung thêm, việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam phải phù hợp với điều kiện của đất nước và xu thế thế giới. Chính phủ phải nắm chắc tình hình quốc tế, khu vực và trong nước liên quan tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề như: Việt Nam phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực; thúc đẩy phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thẻ không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa.
Song song với đó, hình thành quản trị phù hợp với chuyển đổi. Có lộ trình, kế hoạch, bước đi đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, phải huy động sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè, đối tác quốc tế về kinh nghiệm, nguồn lực… bởi chuyển đổi là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trả lời câu hỏi về chương trình hành động liên quan đến kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Kinh tế tuần hoàn: Xu thế của thời đại
Trả lời câu hỏi về chương trình hành động này để tạo một kỳ vọng cho doanh nghiệp, đặc biệt là xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nói, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn đã thành xu thế của thời đại, của cả thế giới. Việt Nam chúng ta cũng phát triển nền kinh tế phù hợp với xu thế thời đại.
Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Trong Dự thảo Kế hoạch này đã đề ra 5 quan điểm, mục tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các chương trình nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành một.
Đặc biệt trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp có nhóm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, nhóm giải pháp tăng cường quản lý chất thải và chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
“Học hỏi những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng sẽ phải hướng tới tiếp tục sửa đổi các luật pháp về bảo vệ môi trường để hạn chế nhập khẩu phế liệu và khuyến khích thu gom, sử dụng phế liệu trong nước để làm nguyên liệu sản xuất”, Thứ trưởng Thành nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói thêm rằng, thế giới đã thực hiện kinh tế tuần hoàn từ lâu và Việt Nam cũng có thực hiện, nhưng trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số thì vấn đề này mới được quan tâm thỏa đáng, với mục tiêu đưa kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế, phong trào.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, một trong những giải pháp bảo vệ môi trường là phát triển kinh tế tuần hoàn, vừa giúp giảm thâm dụng tài nguyên, vừa tận dụng được các nguyên liệu như sử dụng rác thải để sản xuất điện.
Chủ trương của Đảng đã rất rõ, pháp luật đang được hoàn thiện dần. Việt Nam nói chung và Chính phủ nói riêng đang tập trung vào 2 nội dung: Nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ người dân, mọi người dân tham gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định, chưa bao giờ ngoại giao kinh tế được thúc đẩy như giai đoạn hiện nay. (Ảnh: Nguyễn Văn Bình) |
Ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, TS. Trần Du Lịch đặt câu hỏi: Lâu nay vai trò của kinh tế đối ngoại rất quan trọng, sắp tới, việc vận dụng ngoại giao kinh tế để thu hút đầu tư chiến lược như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định: “Chưa bao giờ ngoại giao kinh tế được thúc đẩy như giai đoạn hiện nay. Đây là chủ trương Đảng đã định hướng chỉ đạo và ngay từ đầu nhiệm kỳ này. Đảng đã chủ trương xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản trung tâm của ngoại giao Việt Nam. Ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để cụ thể hóa chủ trương của Đảng.
Thời gian qua, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo việc ngoại giao kinh tế và trên thực tế chúng ta đã nhìn thấy những hiệu quả rất rõ ràng trong giai đoạn chống dịch Covid-19. Khi đó Thủ tướng đã chỉ đạo ngoại giao kinh tế phải đặt trọng tâm vào ngoại giao vaccine, qua đó, đã tạo ra sự xoay chuyển tình thế.
Hiện nay, Thủ tướng cũng tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành trong đó có Bộ Ngoại giao tiếp tục cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và ngoại giao cũng phải tạo ra đột phá trong thu hút nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển đất nước.
Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, ngoại giao kinh tế đang chú trọng vào 5 định hướng lớn:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập tự chủ đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong đó, tiếp tục kiến tạo môi trường hoà bình ổn định thuận lợi cho phát triển thúc đẩy quan hệ đối tác.
Thứ hai, Thủ tướng vẫn thường xuyên chỉ đạo là thúc đẩy động lực cho tăng trưởng gồm: thúc đẩy thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Thứ ba, ngoại giao kinh tế phải thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.
Thứ tư, ngoại giao kinh tế phải nắm bắt được xu thế của thời đại. Việc này Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành và qua cả hội nghị hôm nay để chúng ta nắm bắt xu thế mới nhất của thời đại, tình hình quốc tế để áp dụng với tình hình đất nước.
Thứ năm, ngoại giao kinh tế phải gắn với các địa phương, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, ngoại giao kinh tế cuối cùng là phải đưa nền kinh tế Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi sản xuất toàn cầu; mở rộng thị trường, đối tác, như các thị trường mới tại Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi…
“Chúng ta đã làm tốt, chúng ta phải làm tốt hơn”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SAVICO đặt câu hỏi tại phiên Đối thoại chính sách. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SAVICO đặt câu hỏi rằng: Chính phủ có những chiến lược dài hạn nào để khuyến khích hợp tác công tư (PPP) để có thể tạo thành động lực tăng trưởng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho những ngành công nghiệp mũi nhọn?
Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chúng ta phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, sửa đổi các luật, nhất là Luật hợp tác công tư; khuyến khích trao đổi, hợp tác giữa các thành phần kinh tế với nhau, giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước trên tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên tặng hoa cho các thành viên sáng lập và thành viên hội đồng quản lý C4IR. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Sau phiên Đối thoại chính sách đã diễn ra lễ ra mắt các thành viên sáng lập và thành viên hội đồng quản lý Trung tâm cách mạng công nghiệp lần 4.0 (C4IR).
C4IR là kết quả hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) giai đoạn 2023-2026. Đây là trung tâm thứ 2 ở Đông Nam Á sau Malaysia và thứ 19 thế giới tham gia mạng lưới toàn cầu WEF.
Ở Việt Nam, C4IR hoạt động theo mô hình hợp tác công tư, tận dụng những tri thức, kinh nghiệm của mạng lưới C4IR toàn cầu mang lại hỗ trợ, đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế về công nghệ trên thế giới.
HEF là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức nhằm mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố nói chung và các Đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của Thành phố nói riêng. HEF lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24-27/9 với loạt chuỗi sự kiện liên quan đến chuyển đổi công nghiệp. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/dien-dan-kinh-te-tp-ho-chi-minh-2024-thu-tuong-pham-minh-chinh-doi-thoai-chinh-sach-voi-dia-phuong-doanh-nghiep-287602.html