Rạng sáng nay 16.1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân đã rời Hà Nội, bắt đầu chuyến công du kéo dài 8 ngày, tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 54, thăm chính thức Hungary và Romania.
Tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đỗ Ngọc Huỳnh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung. Ngoài ra, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương cùng tham gia chuyến công tác.
WEF lần thứ 54 diễn ra từ ngày 15 – 19.1 tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Tái thiết lòng tin” là hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19, có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế nhất từ trước đến nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có một chương trình liên tục các hoạt động tại WEF Davos năm nay, gồm: tham dự và phát biểu tại các phiên thảo luận quan trọng, trong đó có một số phiên đặc biệt dành riêng cho Việt Nam; chủ trì nhiều tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Năm nay là lần thứ 5 Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019, 2024), các năm khác thường tham dự ở cấp phó thủ tướng.
Việt Nam cũng đã có 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017).
“Việc Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức đối thoại chiến lược quốc gia với WEF và Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam”, bà Hằng cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến WEF có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện. Đó là cơ hội giá trị để nắm bắt những tư duy, ý tưởng, mô hình phát triển, mô hình quản trị và các xu thế phát triển của thế giới.
Đó là thời điểm lý tưởng để Việt Nam chia sẻ, thông tin, quảng bá những thành tựu, định hướng, chiến lược phát triển đất nước, chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam; chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.
Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ tại WEF 54 sẽ tiếp tục khẳng định đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam đối với hoà bình, phát triển và các vấn đề quan tâm chung; qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.
Nhận lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu, ngay sau khi kết thúc tham dự Hội nghị WEF tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân sẽ thăm chính thức Hungary và Romania. Đây là hoạt động trao đổi đoàn ở cấp Thủ tướng Chính phủ đầu tiên giữa Việt Nam và Hungary trong 7 năm qua và với Romania là trong vòng 5 năm.
Hungary và Romania là 2 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Việt Nam giành độc lập. Hungary và Romania cũng rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, nhất là trong quá trình đàm phán, ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
Thanhnien.vn