Việt Nam đã và tiếp tục nỗ lực triển khai thiết thực, hiệu quả các cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26, góp phần cùng cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28 tại UAE. (Nguồn: COP28UAE) |
Sáng 1/12 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động trong chuyến công tác dự Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), kết hợp các hoạt động song phương tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), theo lời mời của Chính phủ UAE.
Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ COP 28 vào hai ngày 1-2/12. Tham dự Hội nghị dự kiến sẽ có các Nguyên thủ, Người đứng đầu Chính phủ của các quốc gia tham dự. Mục đích nhằm tạo diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris.
Theo chương trình, trong ngày hôm nay (1/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới; đồng chủ trì sự kiện “Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu”; phát biểu tại Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); gặp lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị; tiếp Bộ trưởng Đầu tư UAE và gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại UAE.
Trả lời phỏng vấn trước chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, tham dự Hội nghị COP28 lần này, Việt Nam kỳ vọng Hội nghị sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên bốn lĩnh vực quan tâm hàng đầu.
Một là, các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng.
Hai là, các nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong việc cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này (bao gồm thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030).
Ba là, quan tâm thích đáng tới hoạt động thích ứng với BĐKH, đưa ra được Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi.
Bốn là, sớm đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo trước giờ khai mạc. (Ảnh: VBC) |
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai thiết thực, hiệu quả các cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26, góp phần cùng cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu. Kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 (năm 2021), Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã có những hành động quyết liệt và cụ thể nhằm đạt mục tiêu này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. (Ảnh: VBC) |
Nổi bật có thể kể đến việc thông qua Quy hoạch Điện VIII với việc gia tăng đáng kể vị trí và đóng góp của năng lượng tái tạo trong tổng thể năng lượng điện của Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số đối tác quốc tế, qua đó thu hút nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store. (Ảnh: VBC) |
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Việc Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP28 gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế, tầm vóc của Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực và quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.