Hôm nay (12/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra hiện trường thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau.
Đi cùng đoàn có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Sớm bàn giao mặt bằng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối cao tốc
Trực tiếp kiểm tra nút giao IC5 (huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang) và nghe các đơn vị báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kết quả đạt được của dự án đến ngày hôm nay là sự nỗ lực, quyết tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư, các nhà thầu, công nhân và các địa phương, người dân trong vùng có dự án đi qua.
Đảm bảo đưa dự án về đích theo kế hoạch, Thủ tướng chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, tăng “3 ca, 4 kíp” theo tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm xuyên ngày Tết, ngày lễ”.
Việc tổ chức thi công khoa học, đảm bảo hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ dự án và 11 nút giao trên tuyến.
Về phía các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong tháng 7/2024 phải giải quyết dứt điểm các trường hợp còn vướng GPMB, sớm bàn giao cho nhà thầu thi công.
“Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các tỉnh, thành phải huy động cả hệ thống chính trị, phát động người dân vào cuộc cùng với chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết các vấn đề khó khăn, trong quá trình triển khai dự án”, Thủ tướng chỉ đạo.
Nhấn mạnh việc đầu tư 11 nút giao trên tuyến là rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị các địa phương căn cứ vào quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, khẩn trương triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vào 11 nút giao trên toàn tuyến, đảm bảo khai thác đồng bộ với tuyến cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển KT-XH.
“Các địa phương phải đầu tư ngay. Khi hoàn thành tuyến đường cao tốc, các nút giao là khai thác luôn hệ thống đường giao thông kết nối của địa phương với đường cao tốc qua các nút giao”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Khẳng định hiệu quả đầu tư dự án mang lại là rất lớn, Thủ tướng đề nghị các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Tiến độ còn chậm do thiếu hụt nguồn cát
Báo cáo tình hình triển khai dự án, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, toàn dự án đã huy động 2.800 kỹ sư, công nhân triển khai 237 mũi thi công thi công đồng bộ 110km tuyến chính, 117 cầu và 11 nút giao.
Đến nay, tiến độ của dự án đạt hơn 34% so với kế hoạch, chậm 14% do còn thiếu hụt về nguồn cát.
Về công tác GPMB, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, các địa phương đã rất nỗ lực, tập trung để thực hiện công tác bồi thường và bàn giao mặt bằng, song, tiến độ vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến công tác huy động máy móc thiết bị và tính chủ động của dự án.
Đề cập đến nguồn vật liệu cát, ông Thi cho biết, hiện tại, cơ quan có thẩm quyền đã cấp bản xác nhận đủ điều kiện khai thác hơn 22 triệu m3. Trong đó, có 16,8 triệu m3 cát sông, 5,5 triệu m3 cát biển.
“Để hoàn thành dự án trong năm 2025, từ nay đến ngày 31/10/2024 phải hoàn thành công tác đắp cát gia tải, nhu cầu cát là khoảng gần 9,6 triệu m3”, ông Thi nói và kiến nghị các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng tiếp tục hỗ trợ dự án về thủ tục điều phối, tăng công suất đối với các mỏ cát sông và cát biển.
Các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau tiếp tục quan tâm, giải quyết các vướng mắc còn lại về mặt bằng trong tháng 7/2024.
Đắp gia tải tuyến chính là vấn đề quan trọng nhất
Về phía địa phương, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, dự án qua địa bàn tỉnh hơn 63km với 2.067 hộ bị ảnh hưởng.
Cho đến nay, địa phương đã bồi thường và bàn giao cho dự án 99,81% mặt bằng, còn 0,19% diện tích dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024 sẽ bàn giao cho dự án.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, xác định việc triển khai dự án tại khu vực ĐBSCL sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc thiếu nguồn vật liệu cát để thực hiện đắp gia tải xử lý nền đất yếu, ngay sau khi dự án được khởi công, Bộ đã chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận và nhà thầu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, tập trung thi công toàn bộ cầu trên tuyến với mục tiêu lấy sản lượng cầu bù sản lượng đường; các nhà thầu nhường cát cho nhau, ưu tiên đắp cát tại những vị trí thời gian gia tải kéo dài. Đặc biệt là nghiên cứu rút ngắn thời gian gia tải xuống chỉ còn từ 10-12 tháng.
“Bộ GTVT quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2025. Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là đắp gia tải tuyến chính.
Nếu đến 31/10/2024, công tác đắp gia tải chưa hoàn thành, việc đưa dự án về đích theo kế hoạch sẽ rất khó khăn.
Đáp ứng tiến độ dự án, dứt khoát trong tháng 7/2024, công tác giải phóng mặt bằng phải xong. Vướng dù chỉ là tỉ lệ rất nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thi công”, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đoạn tuyến cao tốc này gồm hai dự án thành phần: dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài hơn 37km. Tổng mức mức tư hơn 10.370 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73km. Tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-phai-hoan-thanh-gpmb-cao-toc-can-tho-ca-mau-trong-thang-7-2024-192240712195243281.htm