Câu chuyện an ninh trở nên “nóng” trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và nhà lãnh đạo Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh.
Sở dĩ như vậy vì chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif diễn ra sau “bóng đen” của loạt vụ tấn công nhằm vào công dân Trung Quốc ở Pakistan. Gần đây nhất là vụ 5 công dân Trung Quốc và 1 người địa phương thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở Tây Bắc Pakistan ngày 26/3.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 7/6. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Cam kết an ninh
Tại cuộc gặp ngày 7/6, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với ông Shehbaz Sharif rằng Trung Quốc sẵn sàng mở rộng và nâng cấp quan hệ kinh tế với Pakistan nhưng cần cam kết an ninh mạnh mẽ từ phía Islamabad.
Chuyến thăm đầu tiên của ông Shehbaz Sharif tới Trung Quốc kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai vào tháng Ba diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này tiếp tục phải vật lộn với tác động của cuộc khủng hoảng nợ, lạm phát và thâm hụt tài chính cũng như tình trạng bất ổn chính trị.
Ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng chất lượng cao với Pakistan theo Sáng kiến vành đai và con đường (BRI), đồng thời cam kết mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, khai thác mỏ, các vấn đề xã hội và sinh kế phù hợp với điều kiện địa phương.
Bên cạnh tuyên bố sẽ nâng cấp Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), nhà lãnh đạo nước chủ nhà khẳng định hai nước sẽ tìm cách hợp tác về đổi mới và công nghiệp xanh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình nói thêm rằng Pakistan nên tiếp tục “tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, ổn định và có thể dự đoán được, đồng thời đảm bảo hiệu quả sự an toàn của nhân sự, dự án và tổ chức Trung Quốc”.
Thông điệp đó được đưa ra sau một loạt cuộc tấn công nhằm vào các công dân Trung Quốc làm việc trong các dự án CPEC ở các tỉnh Balochistan và Khyber Pakhtunkhwa.
Trong vụ tấn công gần đây nhất, 5 công dân Trung Quốc và tài xế người Pakistan đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết trên đường tới dự án đập thủy điện Dasu ở Khyber Pakhtunkhwa vào tháng 3.
Trước đó diễn ra vụ tấn công nguy hiểm nhất liên quan đến công dân Trung Quốc vào năm 2021, khi một kẻ đánh bom liều chết trên xe buýt giết chết 13 người, trong đó có 9 công nhân Trung Quốc.
Chia sẻ với Al Jazeera, bà Stella Hong, nghiên cứu sinh về chính sách công của Trung Quốc tại Trung tâm Ash của Trường Harvard Kennedy khẳng định, tình hình an ninh của Pakistan “vẫn là mối quan tâm trực tiếp nhất” đối với người Trung Quốc và có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai vào nước này.
“Các vụ bạo lực đang thử thách lòng tin lẫn nhau của hai chính phủ….Có thể có sự dè dặt ngày càng tăng từ cả hai nước về cam kết của phía bên kia đối với mối quan hệ này”. (Bà Stella Hong) |
Tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Thủ tướng Sharif cho biết, Pakistan sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các dự án BRI, đồng thời “kiên quyết đấu tranh và trừng phạt nghiêm khắc những kẻ khủng bố có liên quan, đồng thời thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho nhân viên và các tổ chức Trung Quốc ở Pakistan”.
Theo chuyên gia Abdul Basit (Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore), “Trung Quốc không hài lòng” với các biện pháp an ninh hiện tại của Pakistan. Tuy nhiên, ông Zhu Yongbiao, Giáo sư trường chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Lan Châu, cho rằng Trung Quốc “nhìn chung hài lòng” với các hoạt động chống khủng bố của Pakistan, mặc dù nước này muốn hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh.
Giáo sư Zhu Yongbiao nhận định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đầu tư vào Islamabad và trọng tâm chính của chuyến thăm lần này của Thủ tướng Sharif “vẫn là hợp tác kinh tế và thương mại, nhằm giúp Pakistan phát triển và nâng cao năng lực tự lực cánh sinh”.
Năm công dân Trung Quốc thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào xe buýt ở Khyber Pakhtunkhwa vào tháng 3/2024. (Nguồn: EPA) |
Taliban – thách thức hay cơ hội
Afghanistan đang trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng trong quan điểm của cả hai nước về an ninh. Báo South China Morning Post từng đưa tin, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Islamabad và Kabul đang tìm cách thuyết phục Taliban kiềm chế các chiến binh Taliban ở Pakistan và ngăn chặn sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố xuyên biên giới.
Trung Quốc đang cố gắng sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của mình đối với chính quyền Taliban ở Kabul, để kiềm chế Taliban ở Pakistan và ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào nhân sự và lợi ích của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Pakistan đang có lập trường ngày càng cứng rắn đối với chính quyền Taliban ở Afghanistan và liên tục cáo buộc chế độ này dung dưỡng cho những kẻ khủng bố.
Đầu tuần này, Islamabad cho biết họ đã bắt giữ 11 phiến quân bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công hồi tháng Ba vừa qua, đồng thời cho biết thêm rằng kẻ đánh bom liều chết nhằm vào đoàn xe Trung Quốc là một công dân Afghanistan.
Theo chuyên gia Abdul Basit, “Pakistan từng có nhiều ảnh hưởng và mối quan hệ thân thiện hơn [với Taliban] so với Trung Quốc” nhưng điều đó đã thay đổi. Hiện nay, “Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng và mối quan hệ thân thiện với Taliban hơn Pakistan”.
Ông nói thêm, “Pakistan coi Taliban là một thách thức, nhưng đối với Trung Quốc, họ coi Taliban là một cơ hội”.
CPEC là thành tố quan trọng trong Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc. (Nguồn: EPA) |
Bài toán trả nợ
Trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, Thủ tướng Sharif và một phái đoàn doanh nghiệp gồm hơn 100 người đã đến thăm Thâm Quyến, trung tâm đổi mới của đất nước và là hình mẫu cho cải cách kinh tế của Trung Quốc và Tây An, một trung tâm khoa học và công nghệ ở phía Tây Bắc đất nước.
Truyền thông địa phương đưa tin, ông Sharif đã gặp các lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp của hai thành phố, thảo luận về sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như năng lượng mới và công nghệ thông tin.
Với lạm phát ở mức 20% và nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, Islamabad đang nỗ lực tìm cách nâng cấp và mở rộng CPEC kết nối cảng Gwadar phía Nam của Pakistan trên biển Arab với khu vực phía Tây Tân Cương của Trung Quốc.
Ông Basit cho hay, “giai đoạn thứ hai của CPEC, theo Pakistan, là về công nghiệp hóa. Họ muốn thành lập các đặc khu kinh tế hợp tác với Trung Quốc và tiến tới cải cách nông nghiệp và hợp tác trong các công nghệ mới nổi như thông tin”.
Điều đặc biệt quan tâm là hai nước có thể sẽ đàm phán khuôn khổ để gia hạn thời hạn trả nợ khoản vay của Pakistan.
Theo Ngân hàng Nhà nước Pakistan, năm ngoái nợ nước ngoài của Pakistan đạt khoảng 130 tỷ USD, gấp đôi con số năm 2015. Chính phủ của Thủ tướng Sharif có khả năng sẽ tìm kiếm nguồn vốn vay ít nhất là 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau khi nước này công bố ngân sách thường niên, dự kiến vào ngày 10/6 tới.
Số tiền mà Pakistan nợ Trung Quốc chiếm gần 13% tổng số nợ và được dùng để chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng trong nhiều năm và các loại chi tiêu khác. Theo ông Basit, Bắc Kinh “sẽ thể hiện sự linh hoạt” thông qua “một khuôn khổ về cách Pakistan sẽ trả các khoản vay trong 5 năm tới” trong bối cảnh hiện nay, khi Islamabad “không thể trả được”.
Hồi tháng Tư, Bộ Tài chính Pakistan kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng Sáu này.
Như vậy, chuyến thăm kéo dài 5 ngày (4-8/6) trĩu nặng nỗi bất an và gánh nặng nợ nần vẫn cần cam kết, và cả hành động, mạnh mẽ hơn nữa của Thủ tướng Shehbaz Sharif trong việc “làm hài lòng” đồng minh chiến lược của mình.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thu-tuong-pakistan-tham-trung-quoc-su-menh-kho-nhan-274218.html