Chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đối mặt với áp lực mới liên quan đến quyết định cải cách tư pháp.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) hiện diện tại tòa án quận Jerusalem ngày 28/6 để lắng nghe các thông tin liên quan đến vụ án nhắm vào mình. (Nguồn: Times of Israel) |
Ngày 13/7, Tòa án Công lý Tối cao Israel cho biết, cơ quan này đang thụ lý một đơn kiện tập thể yêu cầu truất quyền lãnh đạo của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và sẽ đưa ra xét xử sớm nhất có thể.
Cụ thể, đơn thỉnh cầu do nhóm Pháo đài Dân chủ trình từ ngày 19/4, sau khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ tham gia vào quá trình thực hiện kế hoạch cải cách tư pháp. Họ cho rằng Tổng chưởng lý Gali Baharav-Miara từng cảnh báo ông Netanyahu rằng nếu ông tham gia tiến trình cải cách tư pháp thì sẽ vi phạm thỏa thuận về xung đột lợi ích đã ký hồi năm 2020 để được Tòa án tối cao chấp thuận cho thành lập Chính phủ liên minh thời điểm đó.
Bản kiến nghị cũng kêu gọi Tòa án Công lý tối cao ra lệnh tạm thời ngăn chặn ông Netanyahu tham gia vào kế hoạch cải cách tư pháp.
Trước đó, thỏa thuận về xung đột lợi ích mở đường cho ông Netanyahu lập Chính phủ, bất chấp việc bản thân đang bị điều tra hình sự trong 3 vụ án. Vì thế, ông bị hạn chế quyền tham gia vào quá trình thực thi pháp luật và bổ nhiệm tư pháp, bởi điều này có thể can thiệp và tác động tới tiến trình điều tra, xét xử 3 vụ án chống lại ông.
Hồi tháng Hai, bà Miara từng cảnh báo ông Netanyahu tham gia vào kế hoạch cải cách tư pháp là đã xung đột lợi ích theo thỏa thuận 2020. Một tổ chức Phi chính phủ khác là Phong trào Chính phủ chất lượng cũng đã đệ đơn kiện ông Netanyahu vì vi phạm thỏa thuận 2020 và đòi đưa nhà lãnh đạo ra tòa.
Sau khi xem xét đơn khởi kiện, thẩm phán Ruth Ronnen đã phán quyết rằng Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét đơn này trong tương lai gần, nhưng chưa ấn định ngày xét xử.
Cùng ngày, một số nhà tuần hành đang lên kế hoạch tổ chức các hoạt động lớn đêm ngày 13/7 trước nhà riêng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ở Jerusalem và Caesarea cũng như trước Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv.
Sự kiện này là nhằm gửi thông điệp tới Washington rằng hãy “tiếp tục sát cánh với những người tuần hành Israel”. Trong khi cuộc tuần hành trước tư dinh của Thủ tướng Netanyahu là nhằm thể hiện cho nhà lãnh đạo này thấy “quan hệ Israel – Mỹ đang xấu đi do lỗi của cá nhân ông Netanyahu”.
Trong khi đó, các nhà tổ chức phong trào tuần hành cũng đang kêu gọi một “Ngày phản kháng” mới vào ngày 17/7 tới, với các hành động chặn đường trên toàn quốc và sẽ tiếp tục hành động trong suốt cả tuần.
Đáp lại, những người ủng hộ kế hoạch cải cách tư pháp đang lên kế hoạch tổ chức tuần hành lớn ngày 23/7 nhằm ủng hộ các nỗ lực lập pháp do Chính phủ thúc đẩy.
Cũng trong ngày 13/7, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đón tiếp người đồng cấp Israel, Isaac Herzog tại Nhà Trắng ngày 18/7 tới để thảo luận về sự hội nhập khu vực của Israel và mối quan hệ quân sự của Nga với Iran.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Ông Biden sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị dân chủ được chia sẻ của chúng ta và thảo luận về các cách thúc đẩy các biện pháp bình đẳng về tự do, thịnh vượng và an ninh cho người Palestine và Israel”.
Chuyến thăm của ông Herzog sẽ đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập nước Israel năm 1948. Ông Herzog cũng được mời phát biểu tại một phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, một vinh dự hàng đầu của Washington dành cho các chính khách nước ngoài.
Chuyến đi của ông Herzog diễn ra sau khi bạo lực gia tăng ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích quyết định mở rộng khu định cư Do Thái mới của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Đến nay, ông Netanyahu vẫn chưa được tiếp đón tại Nhà Trắng dù đã đắc cử nhiệm kỳ thứ sáu vào tháng 11 năm ngoái.