Chiều 20/5, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Phiên họp “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững”. Phiên họp này tập trung vào các chủ đề quan trọng gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường.
Các nước G7 cần tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển
Là một trong những nhà lãnh đạo phát biểu đầu tiên trong phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, tự lực, tự cường của mỗi quốc gia và hợp tác quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng nêu quan điểm về bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; bảo đảm cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu; xây dựng các lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đa dạng, có tính thực tiễn cao và phù hợp với quy luật thị trường.
Trong đó, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực trung tâm cho phát triển bền vững của mọi quốc gia, là lời giải cho bài toán vừa tăng trưởng nhanh, vừa bền vững.
Thủ tướng đề nghị các nước G7 và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực, phương pháp quản trị, xây dựng hệ sinh thái phát triển năng lượng sạch.
Thủ tướng cho rằng việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững. Các nước G7 cần ưu tiên triển khai kịp thời, hiệu quả các cam kết tài chính cho phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp bách là xoá, giãn và cơ cấu lại nợ cho các nước nghèo.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề xuất cần tiếp cận sáng tạo trong huy động các nguồn tài chính đa dạng, chú trọng hợp tác công tư (PPP), tài chính hỗn hợp gắn với sự tham gia của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 dù vẫn là nước đang phát triển, đang chuyển đổi, là nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh.
Đây là thách thức rất lớn nhưng là con đường Việt Nam lựa chọn trên cơ sở phát huy nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Thủ tướng bày tỏ ủng hộ sáng kiến “Cộng đồng phát thải ròng bằng không Châu Á” (AZEC) của Nhật Bản và đề xuất các nước G7 cùng đối tác tiếp tục đồng hành với Việt Nam triển khai Thỏa thuận Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) một cách thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng kỳ vọng việc này góp phần giúp Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực, tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất công nghiệp phụ trợ về năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn.
Khẳng định gió, mặt trời là các nguồn năng lượng không ai có thể lấy đi, Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam vừa công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 trong đó có thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, cũng như ủng hộ Tiểu vùng Mê Công phát triển bền vững.
G7 thực hiện cam kết 100 tỷ USD cho tài chính khí hậu
Tại phiên họp, nhiều nhà lãnh đạo chia sẻ những nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về tầm quan trọng của đoàn kết và hợp tác quốc tế trong ứng phó các thách thức toàn cầu.
Nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt về tài chính trong thích ứng với biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo ủng hộ quan điểm của Việt Nam về việc cân bằng giữa thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không 0 với bảo đảm an ninh năng lượng.
Nhiều nước nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng có thể được thực hiện với nhiều lộ trình khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi quốc gia.
Các nước G7 khẳng định quyết tâm triển khai các sáng kiến mới như JETP, Quỹ Khí hậu xanh, Đối tác Cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII), Cộng đồng phát thải ròng bằng không châu Á (AZEC)…
Các nước đang phát triển đề nghị thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ, cấp vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện cam kết 100 tỷ USD cho tài chính khí hậu của các nước phát triển. Nhiều ý kiến cũng đề xuất đẩy mạnh đa dạng hoá chuỗi cung ứng, bảo đảm nguồn cung các loại khoáng sản thiết yếu cho phát triển năng lượng sạch.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Sự kiện về Sáng kiến PGII. Đây là sáng kiến quan trọng của nhóm G7 trong thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở các nước đang phát triển thông qua huy động tài chính công và hợp tác công – tư.
Ngày 21/5, các nhà lãnh đạo G7 mở rộng sẽ tiếp tục tham dự Phiên họp thứ 3 về chủ đề “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Thu Hằng (từ Hiroshima, Nhật Bản)