XEM VIDEO:
Sáng 17/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm “Việt Nam – Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững”.
13,5 triệu tỷ đồng gửi ngân hàng trong 2023, cao nhất từ trước tới nay
Phát biểu tại toạ đàm, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu còn hạn chế nhưng độ mở lớn, một biến động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong, do đó nền kinh tế cần có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết.
Việt Nam phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đã xác định rõ “huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh khó khăn vừa qua, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi trong kiểm soát.
Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp và thực tế thời gian qua, đồng tiền Việt Nam vẫn tương đối ổn định so với các đồng tiền khác. Cũng trong năm 2023, người dân và các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân.
“Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Dù thế giới có chao đảo thì chúng tôi vẫn kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro. Đây chính là sự cân bằng lớn nhất”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, nếu sự cân bằng, hài hòa này không giữ được thì cấu trúc hợp tác sẽ đổ vỡ, không thể bảo đảm hợp tác, đầu tư bền vững, lâu dài, hiệu quả.
Thủ tướng mong nhà đầu tư tiếp tục đến với Việt Nam, mang tới nguồn vốn, công nghệ hiện đại, góp ý hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại.
Chính phủ, các bộ, ngành luôn lắng nghe, sẵn sàng đối thoại, chia sẻ, đàm phán, “đã hứa là làm, đã cam kết phải thực hiện” và cũng mong nhà đầu tư theo tinh thần này.
“Ngay cả với những dự án hợp tác có thua lỗ thì chúng tôi cũng vẫn tôn trọng thỏa thuận đã cam kết, nhưng kiên trì kêu gọi các bên liên quan đàm phán lại, cơ cấu lại dự án để tìm hướng giải quyết”, Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư.
Tại tọa đàm, dưới sự điều phối của Tiến sĩ Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, nguyên Giám đốc điều hành WEF, hiện là Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ, nhà đầu tư đã phát biểu đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đối thoại cởi mở, chân thành, thẳng thắn…
Các đại biểu háo hức khám phá các cơ hội mới về đầu tư tại Việt Nam, tìm hiểu về các quy định, chính sách liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng bền vững, chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá…
Nâng tầm quan hệ Việt Nam – Thuỵ Sỹ
Sáng 17/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng thống Thụy Sỹ Viola Amherd.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, nhất là trong kinh tế, thương mại, hỗ trợ phát triển, văn hóa, giáo dục; lãnh đạo hai nước thường xuyên duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn đã góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước.
Tổng thống Thụy Sỹ đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế – xã hội vượt bậc của Việt Nam trong những năm vừa qua, Việt Nam là đối tác kinh tế ưu tiên và quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á. Tổng thống Thụy Sĩ cam kết sẽ tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam, với hơn 40 dự án đang được triển khai trên các lĩnh vực, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững, giáo dục, doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những thành quả của hợp tác giữa hai nước trong 50 năm qua là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai nước; là cơ sở để hai bên tiếp tục nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, qua đó rà soát, đánh giá kết quả hợp tác và đề xuất những biện pháp thúc đẩy hơn nữa.
Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Thụy Sỹ đã cung cấp ODA, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế – xã hội; mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp Thụy Sỹ đầu tư vào Việt Nam; tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng.
Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất sẽ có cách tiếp cận linh hoạt trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư song phương nhằm tạo thuận lợi và bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước.