Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm trong điều hành tín dụng, không để vốn vào nền kinh tế bị chậm và ách tắc.
Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại công điện điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo cấp đủ vốn cho nền kinh tế. “Không để vốn đưa ra chậm, không đúng thời điểm và ách tắc”, công điện của Thủ tướng nêu.
Cơ quan quản lý tiền tệ cần rà soát toàn diện việc cấp tín dụng cho từng ngân hàng theo các lĩnh vực, ngành và báo cáo kết quả trước ngày 1/12. Ngân hàng Nhà nước cũng chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về điều hành tăng trưởng tín dụng, báo cáo cấp có thẩm quyền với nội dung vượt thẩm quyền.
Bài toán tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối mặt nhiều thách thức khi nhà băng thừa tiền nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế yếu.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng gần 7,4% đến cuối tháng 10. Mức này mới bằng hơn một nửa kế hoạch tăng 14% năm nay. Các chuyên gia tài chính dự báo, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 12%, do bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản – lĩnh vực chiếm 70% tỷ trọng cho vay của ngân hàng – giảm mạnh. Cùng đó, xuất khẩu, sản xuất cũng gặp khó khăn nên nhu cầu vay vốn giảm.
Việc tín dụng tăng thấp hơn mục tiêu, vốn đưa ra nền kinh tế chậm cuối 2022 được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá là điểm nghẽn trong điều hành tín dụng. Giải thích điều này tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay trong điều hành chính sách tiền tệ không thể chủ quan với lạm phát, và cần nhìn về xu hướng dài hạn.
Bà thông tin, lạm phát có xu hướng tăng trở lại từ tháng 7, còn lạm phát cơ bản trong 9 tháng đầu năm tăng 4,49%, theo dữ liệu của cơ quan thống kê. Theo Thống đốc, đây là chỉ dấu cần lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới. Dù vậy, bà Hồng kỳ vọng với nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tín dụng tăng vào cuối năm.