Thủ tướng Israel Netanyahu gọi việc Nam Phi kiện nước này lên Tòa Công lý Quốc tế với cáo buộc diệt chủng là “đạo đức giả và dối trá”.
“Chúng tôi đang chiến đấu với Hamas và với những lời dối trá. Hôm nay chúng tôi đã chứng kiến một thế giới bị đảo lộn. Israel bị buộc tội diệt chủng khi đang đấu tranh cho sự tồn vong của dân tộc và chống lại nạn diệt chủng”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói trong cuộc họp báo ở Tel Aviv hôm 11/1.
Bình luận của ông Netanyahu được đưa ra cùng ngày Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) mở phiên điều trần về việc Nam Phi kiện Israel vi phạm nghĩa vụ được quy định trong Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng. Trong phiên điều trần, các luật sư của Nam Phi cáo buộc Israel có ý định diệt chủng người Palestine ở Gaza, hủy hoại cuộc sống và đẩy họ đến bờ vực nạn đói.
Theo ông Netanyahu, sự “đạo đức giả của Nam Phi thấu tận trời xanh”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với Hamas, chiến đấu để loại bỏ những điều giả dối, duy trì quyền tự vệ và đảm bảo tương lai của chính mình cho đến khi giành chiến thắng hoàn toàn”, Thủ tướng Israel nhấn mạnh.
Giới chức Nam Phi chưa bình luận về thông tin.
Bộ Ngoại giao Israel trước đó cáo buộc Nam Phi “hoạt động như cánh tay pháp lý của Hamas” trong vụ kiện dựa trên “những tuyên bố sai lầm và vô căn cứ”. Tổng thống Israel Isaac Herzog nói “không gì tồi tệ và phi lý hơn” vụ kiện của Nam Phi, đồng thời chỉ trích Pretoria “đạo đức giả”.
Các đại diện của Israel sẽ trình bày lập luận trước ICJ trong ngày 12/1. Israel nhiều lần bác cáo buộc diệt chủng, nói đã “nỗ lực hết sức” để tránh thương vong cho dân thường ở Gaza. Nhà Trắng cũng cho rằng cáo buộc Israel diệt chủng là vô căn cứ.
Hơn ba tháng oanh tạc của Israel ở Gaza đã khiến phần lớn dải đất ven biển thành hoang tàn, hơn 23.000 người thiệt mạng và khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người Palestine ở đây phải sơ tán. Cuộc phong tỏa của Israel hạn chế nghiêm trọng nguồn cung thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men, gây ra thảm họa nhân đạo.
Mỹ ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel, song kêu gọi đồng minh giảm quy mô chiến sự, hành động nhiều hơn để bảo vệ dân thường, đồng thời tiếp tục bày tỏ hy vọng về một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.
Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng năm 1948 định nghĩa diệt chủng là “những hành vi được thực hiện với mục đích tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo”.
Phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc và không thể bị kháng cáo. Tuy nhiên, các quốc gia không phải lúc nào cũng tuân thủ, do cơ quan này không có phương thức đảm bảo thực thi phán quyết. Dù vậy, một phán quyết bất lợi đối với Israel chắc chắn sẽ gia tăng áp lực chính trị lên nước này, thậm chí có thể trở thành cái cớ cho các lệnh trừng phạt quốc tế.
Huyền Lê (Theo Reuters, Anadolu Agency, Times of Israel)