Chào đón các doanh nghiệp New Zealand đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp hãy làm cầu nối cho việc hình thành các dự án giữa hai nước.
Tại thủ đô Wellington, trưa 11.3 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu New Zealand nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới nước này.
Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Mitchell Pham, Giám đốc Công nghệ của TradeWindow, một công ty startup hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ vận chuyển hàng hóa và logistics, bày tỏ quan tâm đến các điều kiện, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Trong khi đó, TS Christine Clark, Giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục Kalandra, cho biết doanh nghiệp này sẵn sàng cấp 1.000 học bổng đào tạo ngành điều dưỡng cho phía Việt Nam. Trao đổi về đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đang là thị trường cung cấp điều dưỡng rất hiệu quả của Đức, Nhật và sẵn sàng hợp tác với New Zealand. Bà Lan khẳng định, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan để trao đổi trực tiếp với Kalandra về nội dung này.
Tới từ Công ty New Zealand Wind Energy, một doanh nghiệp mới nổi của New Zealand trong lĩnh vực phát triển năng lượng gió, Giám đốc Kevin Hart phân tích, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió, điện tái tạo trong chiến lược phát thải bằng 0, nhưng các công ty New Zealand đang gặp khó trong cạnh tranh với một số thị trường cung cấp thiết bị giá rẻ.
Ông Kevin Hart đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để phát triển dự án điện tái tạo chung giữa hai nước. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ từ cả Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị các doanh nghiệp New Zealand quan tâm đến lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, kiến nghị các mô hình hợp tác giáo dục – đào tạo và đặc biệt là trao đổi nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế. Do đó, theo Thủ tướng, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư giữa hai bên còn rất nhiều dư địa.
Đánh giá khó khăn lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước là khoảng cách về địa lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, thời gian tới, hai bên sẽ nghiên cứu mở lại đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao thương.
“10 năm trước giao thương ít không có lợi cho đường bay thẳng, nhưng nay với 15.000 người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập tại New Zealand và sẽ còn tăng lên nhanh khi kim ngạch thương mại hai chiều sẽ tăng lên 2 tỉ US trong năm nay và 3 tỉ USD vào năm 2026, nên việc mở đường bay thẳng hoàn toàn khả thi”, Thủ tướng phân tích.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ xúc tiến các hoạt động ngoại giao kinh tế để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về thương mại đầu tư, đàm phán cấp cao để hai bên mở cửa thị trường cho nhau, tạo điều kiện cho hàng hóa hai bên vào thị trường của nhau.
“Ví dụ, chúng tôi đang nhập kiwi, bào ngư, cherry của New Zealand, đổi lại xuất chuối, xoài, bưởi da xanh vào New Zealand”, Thủ tướng dẫn chứng, đồng thời nêu rõ, Việt Nam đang ưu tiên cho các lĩnh vực về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện, chất bán dẫn, năng lượng mới, hydrogen, công nghệ sinh học, y tế và vận chuyển xanh. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp New Zealand làm cầu nối cho việc hình thành các dự án giữa hai nước.
Thanhnien.vn