Thủ tướng Hà Lan gọi Việt Nam là mảnh đất của “rồng bay lên”, mảnh đất của những cơ hội, đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác, tận dụng được mọi cơ hội mới và cùng trở thành “rồng xanh”.
Chiều 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2023.
Diễn đàn do Eurocham Việt Nam tổ chức nhằm góp phần vận động và thúc đẩy các chính sách, sáng kiến cho phát triển bền vững của Việt Nam. Các chủ đề được thảo luận gồm tài chính xanh, giảm thiểu cacbon, chuyển đổi năng lượng xanh và nông nghiệp bền vững…
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh, 2023 là một năm đặc biệt khi Việt Nam và Hà Lan kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng lịch sử quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu từ sớm hơn trước đó.
Hai Thủ tướng cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Chủ tịch EuroCham, các đại sứ, các hiệp hội và doanh nghiệp EU và Việt Nam tham dự diễn đàn.
Hà Lan với tư cách là cường quốc hàng hải và thương mại, cách đây 400 năm con tàu Hà Lan đã cập cảng Hội An. Đến nay, Hà Lan là nhà đầu tư EU lớn nhất tại Việt Nam, trên 60% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đều đi qua cảng Rotterdam.
Thủ tướng Hà Lan bày tỏ ấn tượng khi kinh tế của Việt Nam tăng trưởng thần kỳ. Nhưng cả Hà Lan và Việt Nam đều thấy rằng tăng trưởng kinh tế không bền vững sẽ gây ra rất nhiều tác hại, khi cả 2 đất nước phải đối mặt với thách thức môi trường.
“Chúng ta cần chung tay vào cuộc và với đóng góp của tất cả mọi người, từ Chính phủ, các tổ chức xã hội, chuyên gia, định chế tài chính, nhưng trên hết phải có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng Rutte nhấn mạnh.
Thủ tướng Hà Lan lưu ý rằng các doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung ứng cần phải tuân thủ các quy định mới của Liên minh châu Âu về sản xuất bền vững; đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện điều này.
Thủ tướng Hà Lan: Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ và rất ít người tưởng tượng được.
“Nếu chúng ta cùng chung tay thì sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu, trong khuôn khổ chương trình sẵn sàng xuất khẩu”, vị Thủ tướng kêu gọi.
Ông cho rằng tăng trưởng xanh chính là tương lai, Việt Nam và Hà Lan cùng chung những tham vọng lớn, cùng nhau có thể biến những khát vọng thành hiện thực.
Thủ tướng Hà Lan chia sẻ: “Việt Nam thực sự đã xứng danh với tên gọi của mình đó là mảnh đất của rồng bay lên và Việt Nam là mảnh đất của những cơ hội, đem lại rất nhiều tiềm năng. Hãy cùng hợp tác để Việt Nam và Hà Lan trở thành rồng xanh, hãy tận dụng và chớp lấy tất cả cơ hội mới”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng lớn nhất của ASEAN đối với châu Âu. Thương mại hai chiều năm 2022 đạt 63 tỷ USD, châu Âu là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam. Còn Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai, nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu vào Việt Nam.
Thủ tướng: Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh.
Việt Nam luôn đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư đến làm ăn ổn định và phát triển lâu dài. Việt Nam cũng thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Việt Nam luôn bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “phát triển nhanh nhưng bền vững”, “không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần”. Từ đây, Thủ tướng cho rằng phải sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và đảm bảo nguồn năng lượng xanh cho nhà đầu tư phát triển bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phân tích, kinh tế xanh, kinh tế số là hai mặt của một quá trình, muốn phát triển kinh tế xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại. Đây là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này.
Thủ tướng mong EU tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị… để thúc đẩy phát triển xanh.
Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao quan điểm của Thủ tướng Hà Lan “coi ĐBSCL như là một phần của Hà Lan”. Vùng đất này đang đối diện với những nguy cơ đe dọa như sụt lún, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh kế của 22 triệu người dân. Vùng đất này cũng nơi chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% lượng thủy sản của Việt Nam. Thủ tướng mong các đối tác, nhà đầu tư hỗ trợ, tăng cường đầu tư khu vực ĐBSCL.
Người bạn thân thiết
Cũng trong chiều nay, hai Thủ tướng đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam – Hà Lan. Diễn đàn thảo luận về các chủ đề: Việt Nam tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cao – góc nhìn từ các doanh nghiệp toàn cầu; phát triển và nuôi dưỡng nhân tài công nghệ cao Việt Nam – chiến lược và khuyến nghị.
Thủ tướng Hà Lan thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Samsung ở Hà Nội
Hơn một thập kỷ qua, Việt Nam-Hà Lan đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau và một trong những dư địa cần phải khai thác chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ Thủ tướng Phạm Minh Chính là “người bạn thân thiết”, Thủ tướng Hà Lan nhắc lại trong chuyến thăm Hà Lan tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Trung tâm Công nghệ brainport (BIC), thành phố Eindhoven, nơi tập trung doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Hà Lan.
Thủ tướng Hà Lan vui mừng khi chỉ sau 11 tháng, ông đã chứng kiến Việt Nam có Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cùng các trung tâm nghiên cứu, phát triển.
Những doanh nghiệp công nghệ cao Hà Lan bắt đầu đến Việt Nam. Ông tin rằng sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp như vậy đến Việt Nam vì Việt Nam có tiềm năng rất lớn và điều kiện thuận lợi để tiến đến vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hà Lan không chỉ muốn tìm hiểu, nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới mà còn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao với Việt Nam.
Đánh giá cao tầm nhìn và kế hoạch của phía Việt Nam trong xây dựng các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Hà Lan tin rằng đây là bước khởi đầu trong kỷ nguyên hợp tác giữa hai nước.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với phương châm “lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá”, chính sách nhất quán của Việt Nam là kêu gọi đầu tư, mở cửa thị trường với tất cả đối tác, doanh nghiệp.
Trong đó, hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ, đầu tư và đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp hàng đầu châu Âu như Hà Lan là ưu tiên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn.
Với Hà Lan, Thủ tướng cho rằng hai bên có quan hệ chính trị-ngoại giao rất tốt, phát triển mạnh mẽ. Đây là cơ sở để hai bên có niềm tin, kỳ vọng trong thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, doanh nghiệp hai nước sẽ tăng cường kết nối, chia sẻ, tự tin để đầu tư.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Hà Lan sớm có kế hoạch cụ thể để đầu tư và kết nối với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đồng tình với Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng đây là sẽ dấu mốc cho sự khởi đầu mới, đột phá mới trong quan hệ giữa Việt Nam-Hà Lan cũng như quan hệ 3 bên giữa Việt Nam-Hà Lan với các đối tác khác như Hàn Quốc.
Vietnamnet.vn