Lần thứ ba Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm Việt Nam, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – Hà Lan lên tầm cao mới.
Tối 1/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1-2/11 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là lần thứ ba Thủ tướng Mark Rutte thăm Việt Nam, ông đã hai lần thăm Việt Nam vào các năm 2014 và 2019. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đón Thủ tướng Hà Lan và đoàn tại sân bay có: Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam; một số lãnh đạo cục, vụ Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao.
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đón Thủ tướng Hà Lan tại sân bay. Ảnh: TTXVN
Tháp tùng Thủ tướng Hà Lan có Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Michiel Sweers; Cố vấn Chính sách Đối ngoại (Văn phòng Thủ tướng) Cecile Klever; Vụ trưởng Vụ Châu Á và Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao) Annemarie van der Heijden; Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Việt Nam Daniel Stork; Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Christoph Prommersberger; Người phát ngôn (Văn phòng Thủ tướng) Aafke Plug; Vụ trưởng Vụ Lễ tân (Bộ Nội vụ) Heika Brons…
Lễ đón chính thức Thủ tướng Hà Lan sẽ diễn ra vào sáng mai (2/11) tại Phủ Chủ tịch do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Hai Thủ tướng sau đó sẽ hội đàm tại trụ sở Chính phủ.
Dự kiến hai Thủ tướng sẽ đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ cao, Diễn đàn Kinh tế xanh.
Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước (2010), Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014) và Đối tác toàn diện (2019).
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Quan hệ Việt Nam – Hà Lan phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là về đầu tư, thương mại, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, có nhiều các cơ chế hợp tác song phương; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.
Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 11,09 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021.
Về đầu tư, Hà Lan có khoảng 400 dự án và tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD. Hai nước còn hợp tác trong thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực. Hợp tác trong lĩnh vực này gồm các hợp đồng đóng tàu quân sự với Tập đoàn Damen, các khóa đào tạo gìn giữ hòa bình tại Hà Lan.
Hai bên hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ngành hàng hải và đường thủy; lĩnh vực hàng không; chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực cho ngành giao thông vận tải.
Về giáo dục – đào tạo, nhiều trường Hà Lan và cơ sở đào tạo của Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục bậc đại học.
Nhìn nhận mối quan hệ gần gũi, hữu nghị giữa hai quốc gia, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar cho rằng Hà Lan và Việt Nam trở thành những đối tác của nhau theo một cách tự nhiên dựa trên các lĩnh vực ưu tiên gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, kinh tế biển và dịch vụ hậu cần.
Đại sứ Kees van Baar cho rằng, Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm chung. Cả hai nước đều có nền kinh tế dựa vào thương mại và đầu tư quốc tế, có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đều đối mặt với các thách thức về nước và biến đổi khí hậu nghiêm trọng, và ngành nông nghiệp hai nước đều có định hướng xuất khẩu.
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam khẳng định Việt Nam và Hà Lan ngày nay đã trở thành những đối tác quan trọng và ưu tiên của nhau tại khu vực. Đại sứ bày tỏ hy vọng, trong chuyến thăm các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam và góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.
Vietnamnet.vn