Sau khi dự khởi công 3 dự án giao thông quan trọng phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, chiều 18-6, tại tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cao tốc Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Sự kiện được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa kết nối với điểm cầu tỉnh Bình Thuận.
Cùng dự sự kiện tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa có Tổng Thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hộ Bùi Văn Cường; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận.
Dự lễ tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bí Thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Thuận.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường bộ cao tốc Nha Trang – Cam Lâm đi hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có chiều dài hơn 49 km, với quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư), trong đó vốn Nhà nước khoảng 2.967 tỷ đồng, nguồn vốn của nhà đầu tư khoảng hơn 2.556 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 9-2021.
Dự án đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 101 km đi qua tỉnh Bình Thuận kết nối với cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo ở phía Bắc và cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết ở phía Nam; có tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 9-2020.
Tại sự kiện, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, nhà đầu tư, nhà thầu thi công cho biết, trong quá trình triển khai thi công, bên cạnh những thuận lợi, 2 dự án đã rơi vào thời điểm gặp không ít những khó khăn. Trong đó có ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; dự án trải dài qua nhiều khu vực có địa hình, địa chất phức tạp; giá nhiên liệu, vật liệu có những thời điểm tăng cao đột biến. Nguồn vật liệu xây dựng thông thường vẫn còn thiếu; thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ…
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án; đã ban hành nhiều Nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn thách thức để giải quyết những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền… Nhờ đó, các khó khăn được tháo gỡ, 2 dự án đã cơ bản hoàn thành và được đưa vào khai thác tạm thời từ tháng 5-2023.
Tại lễ khánh thành, UBND tỉnh Khánh Hòa, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm, tiếp tục cho phép đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc khác theo cơ chế như đối với 2 dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành, phối hợp của Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc của các địa phương và cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp; chúng ta đã vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch; không kể ngày đêm, sớm tối, Tết, không có ngày nghỉ, làm việc 3 ca, 4 kíp vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành 2 dự án này.
“Việc đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã cơ bản kết nối tuyến cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh – Khánh Hòa, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận nói riêng; kích cầu du lịch góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và đất nước nói chung”, Thủ tướng chỉ rõ.
Theo Thủ tướng, hành lang vận tải Bắc – Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế – vận tải huyết mạch của đất nước. Để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố; đã hoàn thành đưa vào khai thác 804 km.
Với việc đưa vào khai thác 2 dự án Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết với tổng chiều dài hơn 150 km đã nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc – Nam là 954 km và nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1.729 km; tới đây, sẽ hoàn thành thêm 123 km vào cuối năm 2023 và tập trung triển khai thực hiện xây dựng để hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, dự án Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết được khởi công trong năm 2020 và 2021, cũng như các dự án khác của giai đoạn 1 đang triển khai xây dựng, trong quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.
Nắm bắt và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc đó, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước đã tập trung thời gian để chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với tinh thần “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết để giải quyết thiếu hụt vật liệu cho các dự án; quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp để sớm bình ổn giá vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu…
Đặc biệt, đối với dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết cho đến cận thời điểm về đích (ngày 30-4-2023), tuyến chính dù đã cơ bản hoàn thành song vẫn không thể kết nối đồng bộ cùng thời điểm với cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây do phải chờ gia hạn mỏ đất đắp. Tháo gỡ khó khăn cho dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 47 thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, dự án đã hoàn thành vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).
Đối với Dự án Nha Trang – Cam Lâm được đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), triển khai trong bối cảnh pháp luật về đầu tư PPP chưa hoàn thiện. Dự án được lựa chọn Nhà đầu tư trước khi Luật đầu tư PPP được ban hành, “làn sóng” phản ứng các dự án BOT giao thông xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước khiến tâm lý của các nhà đầu tư và e ngại của tổ chức tín dụng tài trợ vốn. Đã có 5/8 dự án thành phần: Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây buộc phải báo cáo Quốc hội xem xét, cho chuyển đổi từ phương thức PPP sang đầu tư công.
Việc kêu gọi đầu tư PPP tại dự án cao tốc Bắc – Nam có lúc tưởng chừng khó thực hiện. Nhưng với sự đồng hành tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan, các dự án thành phần: Nha Trang – Cam Lâm, Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo lần lượt lựa chọn được các nhà đầu tư uy tín.
Hợp đồng PPP dự án Nha Trang – Cam Lâm được ký kết, đánh dấu sự thành công đầu tiên của mục tiêu cụ thể hóa cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tại dự án cao tốc huyết mạch đầu tiên của cả nước. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, sự vào cuộc quyết tâm cao của Nhà đầu tư và các đơn vị liên quan, Dự án Nha Trang – Cam Lâm đã rút ngắn thời gian, về đích trước 3 tháng.
Với kết quả rất đáng ghi nhận, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, truyền cảm hứng, động lực và quyết tâm mạnh mẽ trên công trường; cán bộ, công chức, người lao động ngành Giao thông Vận tải, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, các Ban Quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn về dịch bệnh, thời tiết bất lợi, làm việc không kể ngày đêm, “tăng ca, tăng kíp”, huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành.
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thiếu hụt vật liệu cho dự án; cảm ơn nhân dân trong vùng ảnh hưởng của các dự án, đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà để triển khai.
Nêu 6 bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai dự án, Thủ tướng nhấn mạnh phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bám sát thực tiễn, chủ động nắm bắt tình hình và nâng cao tính dự báo để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, thực hiện các giải pháp để kịp thời xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai các dự án.
“Các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm rồi, cần quyết tâm cao hơn nữa; đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra”, Thủ tướng chỉ rõ.
Cũng theo Thủ tướng, trong quá trình thực hiện phải chủ động giải quyết các công việc trong thẩm quyền; xác định đường cao tốc là tài sản chung của quốc gia mà địa phương trực tiếp được hưởng lợi để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả; linh hoạt xử lý theo thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải…; đặc biệt, xử lý vấn đề nguyên vật liệu xây dựng.
Cùng với đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ, đảm bảo về hạ tầng, y tế, giáo dục, dịch vụ; từ đó người dân tin tưởng, sẵn sàng nhường đất, di dời nhà phục vụ xây dựng các dự án.
Ngoài ra, phải không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp với thực tế; bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật để lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn; đảm bảo các yếu tố về kỹ – mỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không để tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý.
Đặc biệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành, khai thác bảo đảm an toàn; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai Dự án để làm bài học cho các dự án sau này; đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc – Nam vào khai thác đúng tiến độ; phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các Dự án cao tốc trục Đông – Tây, các Dự án Vành đai đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các dự án kết nối liên vùng theo hình thức PPP.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình, người dân nhường mặt bằng cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, yên tâm “an cư – lập nghiệp”; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đối với đề xuất của tỉnh Khánh Hòa và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải về đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc khác, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng đề án, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.