Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đi Trung Quốc dự các hội nghị hợp tác tiểu vùng sông Mekong – Ảnh: VGP
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc.
Chương trình hợp tác GMS được thành lập vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), bao gồm sáu thành viên: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và hai tỉnh tự trị của Trung Quốc (Quảng Tây và Vân Nam).
Các thành viên GMS đã thông qua các dự án hợp tác lớn cho từng vùng, tuyến hành lang kinh tế, như Hành lang kinh tế Bắc – Nam (NSEC), Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), Hành lang kinh tế phía Nam (SEC)… và đưa ra mười lĩnh vực ưu tiên hợp tác.
Bao gồm: giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, du lịch, bưu chính viễn thông, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển đô thị dọc các hành lang kinh tế.
Kết nối kết cấu hạ tầng là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và trên thực tế là lĩnh vực nổi bật nhất, thu được nhiều thành tựu quan trọng nhất trong khuôn khổ GMS trong hơn hai thập niên qua.
Trong đó, hội nghị đã thông qua Khung đầu tư tiểu vùng đến năm 2022 với danh sách hơn 222 dự án cụ thể, có quy mô khoảng 65 tỉ USD.
Cùng đó là Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 – 2022 và một số văn bản định hướng các lĩnh vực trọng tâm, gồm thúc đẩy mở rộng mạng lưới hành lang kinh tế hiện nay.
Hội nghị GMS lần thứ 7 được tổ chức năm 2021 theo hình thức trực tuyến, với chủ đề “GMS: Lấy lại sức mạnh để đối phó với những thách thức trong thập niên mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có bài phát biểu tại hội nghị này.
Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) còn được gọi là Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế (ECS).
Đây là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam với mục tiêu bao trùm là bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.
Mục tiêu chính của ACMECS là nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực biên giới các nước, thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách hiệu quả nhất, mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia.
Trong khi đó, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) lần thứ 10 diễn ra vào năm 2020 với chủ đề “Tăng cường kết nối hiệu quả vì hội nhập khu vực”./.
Công Đảo