Chiều 22.9 theo giờ địa phương, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, theo TTXVN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78. Ảnh: TTXVN
Bài phát biểu của Thủ tướng có chủ đề “Cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thể hiện sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển”.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm.
Thứ nhất là lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng, trong đó các nước lớn đóng vai trò hết sức quan trọng và tiên phong trong vun đắp lòng tin, lan toả sự chân thành và tinh thần trách nhiệm.
Thứ hai là giải pháp toàn cầu về thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, ủng hộ Kế hoạch thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững; đồng thời, cần lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cô lập.
Thứ ba là giải pháp toàn dân về thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển bền vững trong mọi tiến trình hoạch định chính sách và trong hành động; không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư là cần thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn, trong đó có xây dựng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, tăng cường các hiệp định thương mại tự do, cải tổ các thể chế tài chính – tiền tệ quốc tế.
Thứ năm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh; đồng thời các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhất là các quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh… cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị điều phối.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ đóng góp mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa vào các ưu tiên của Liên Hợp Quốc, trong đó có việc đẩy mạnh tham gia gìn giữ hòa bình; phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc phát biểu, nhiều bè bạn quốc tế đã chúc mừng Thủ tướng, bày tỏ sự cảm kích trước những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam và đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
laodong.vn